Thị trường bất động sản Việt Nam đã trải qua 10 năm thăng trầm với nhiều khó khăn và cũng không ít thành tựu, từ giai đoạn đóng băng năm 2012-2013 đến phục hồi và thăng hoa trong giai đoạn 2017-2019 và chững lại trong 2019 - 2020 với những ảnh hưởng khó lường từ COVID-19.
Tuy nhiên, cùng lúc đó, thị trường cũng chứng kiến những điểm sáng tích cực đến từ nỗ lực thúc đẩy đầu tư công, các chính sách tháo gỡ pháp lý, tình hình kiểm soát dịch tích cực, và trên hết là nguồn cầu dồi dào đến từ một trong những thị trường được đánh giá là tiềm năng nhất trong khu vực.
Theo khảo sát do một đơn vị truyền thông uy tín thực hiện trung tuần tháng 8, bất chấp thách thức từ COVID-19, bất động sản vẫn là kênh đầu tư dẫn đầu với 38% lượt bình chọn (tương đương gần 42.900 phiếu bầu tính đến 17/8). Các kênh đầu tư được ưu tiên sau đó lần lượt là gửi tiết kiệm (27%), chứng khoán (12%), vàng (17%) và cuối cùng là USD (6%).
|
|
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC |
Tại hội thảo “Bất động sản Việt Nam 2020 - 2021: Sẵn sàng chu kỳ mới” chiều 29/8, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC cho rằng về lâu dài, bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhất, hiệu quả nhất tại Việt Nam.
Tuy nhiên, các chính sách giải cứu thị trường bất động sản trong dịch COVID-19 sẽ cần nhiều thời gian để ngấm vào thị trường, thậm chí là phải đợi sang năm 2021 mới đi vào cuộc sống.
"Mỗi một chính sách, chủ trương, quyết định cần nhiều thời gian. Tại Việt Nam, soạn thảo 1 văn bản thường mất từ 3-5 tháng và có lẽ cần thời gian tương đương nữa để đi vào được cuộc sống", ông Quyết cho biết.
Theo Chủ tịch FLC, doanh nghiệp bất động sản trong một hội thảo gần đây đã đưa ra quan điểm rằng COVID-19 chưa ảnh hưởng nhiều đến lĩnh vực này.
"Cho đến nay, chưa mấy doanh nghiệp nào kêu khó trong mảng bất động sản. Cái đáng lo nhất theo tôi lại là các ngành dịch vụ, du lịch, vận tải, hàng không, đường biển...", ông Quyết nói.
Ông Quyết khẳng định, các doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản bài bản sẽ vẫn khỏe mạnh dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch từ 3 tháng đến 1 năm. Bất động sản càng để lâu càng có hiệu quả. Các công ty môi giới hoặc công ty nhỏ không thể chờ từ 1 đến 2 năm được. Nếu qua 1-2 năm thì sang đến năm thứ 3 có khi giá còn gấp đôi, gấp ba.
"Với mảng bất động sản của FLC, COVID-19 có kéo dài đến sang năm thì chúng tôi cũng không lo ngại. Nhưng chúng tôi lo ngại cho các ngành dịch vụ khác như du lịch, hàng không. COVID-19 lần 2 xảy ra, công suất của hệ thống phòng FLC khi đại dịch thứ 2 xảy ra, công suất giảm còn 20-30%. Nhưng rất đáng mừng, sau khi kiểm soát được dịch, ngay như ngày hôm nay, công suất phòng đang tăng lên rồi. Dịch được kiểm soát tốt, mọi thứ đang dần dần tốt hơn", ông Quyết cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho hay, thị trường bất động sản đang bị tác động xấu từ những yếu tố khách quan như dịch bệnh, nguồn cung bị khựng lại do vướng mắc về thủ tục. Những yếu tố này khiến giao dịch trên thị trường giảm mạnh nhưng khác hoàn toàn với giai đoạn khủng hoảng những năm 2010.
Ông Đính cho rằng, hiện nay có nhiều dự án ở các đô thị lớn phải dừng lại để thanh kiểm tra, các dự án ở các địa phương bị hạn chế phát triển. Mỗi địa phương có khoảng 20-30 dự án bị dừng triển khai, còn các đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM còn tới cả trăm dự án.
Việc các dự án bị dừng triển khai dẫn đến nguồn cung thiếu, trong khi lực cầu vẫn mạnh. Theo ghi nhận của Hiệp hội, có những dự án được hấp thụ lên tới 90%. Cụ thể, tại TP.HCM có những dự án giá bán lên tới 40 triệu đồng/m2 nhưng trong vòng hai ba tháng đã tiêu thụ tới 95%.
Do đó, ông Đính nhận định, bất động sản sẽ là loại hình phục hồi nhanh nhất so với các ngành nghề khác khi dịch bệnh kết thúc. Điều này đã minh chứng sau khi đợt dịch một kết thúc, kết thúc giãn cách, thị trường đã nhanh chóng khôi phục các giao dịch.
Lượng giao dịch đến nay chỉ được 10 nghìn giao dịch thành công, bằng khoảng 10% năm ngoái. Tuy nhiên, lượng giao dịch này chủ yếu tập trung trong khoảng 2 tháng từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 7.