Theo đó, UBND TP giao Sở Xây dựng tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường BĐS; tiếp tục theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng BĐS.
Đồng thời, xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu thông tin về nhà ở và thị trường BĐS trên địa bàn TP, bảo đảm kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ Xây dựng theo quy định tại Nghị định số 117/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ.
Mặt khác, tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy định về đầu tư kinh doanh BĐS, các dự án BĐS có vi phạm về xây dựng, các dự án không thực hiện bảo lãnh trong kinh doanh BĐS hình thành trong tương lai, các dự án chưa nghiệm thu chất lượng công trình đã đưa vào sử dụng.
UBND TP giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND quận, huyện kiểm tra, rà soát các dự án BĐS đã được UBND TP quyết định giao đất hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày Quyết định số 04/QĐ-TTg ngày 10/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các dự án BĐS nhà ở cao cấp. Đối với các dự án không triển khai, để đất hoang hóa hoặc triển khai chậm thì kiên quyết báo cáo UBND TP thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai.
Đồng thời, tập trung kiểm tra, rà soát, công khai danh sách các dự án nhà ở chủ đầu tư đã thế chấp ngân hàng; các dự án chậm tiến độ do vướng mắc pháp lý về đất đai, các dự án chưa nộp tiền sử dụng đất, các chủ đầu tư chậm trễ trong việc làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người dân.
UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TPHCM kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực BĐS, chuyển tiền thu được từ BĐS ra nước ngoài để ngăn chặn các hành vi rửa tiền, chuyển giá, trốn lậu thuế; thanh toán giao dịch BĐS bằng tiền mặt.
UBND TP giao Sở Tài chính phối hợp với Sở Xây dựng báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ quỹ đất 20% trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới có quy mô dưới 10 ha đất để đầu tư phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) trên địa bàn TP; tham gia, đề xuất giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh, trình UBND TP trước ngày 30/1/2021.
Bên cạnh đó, UBND TP giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển NƠXH. Khi phê duyệt quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới, mạng lưới các cơ sở đào tạo nhất thiết phải có nội dung quy hoạch NƠXH, nhà ở công nhân, nhà ở sinh viên, các khu chức năng dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao… theo quy định; dành quỹ đất 20% trong các dự án khu đô thị mới, các dự án phát triển nhà ở thương mại để đầu tư phát triển NƠXH theo quy định.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TPHCM theo dõi, chỉ đạo các ngân hàng thương mại quản lý chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở của người dân, hạn chế tín dụng cho đầu tư BĐS cao cấp, BĐS du lịch nghỉ dưỡng và đầu cơ BĐS.
Theo DNTT