Tham vọng triển khai loạt dự án lớn và mở rộng quỹ đất “khủng”

Tính đến hết năm 2020, CTCP Đầu tư Nam Long (Mã CK: NLG) có trong tay trên 681ha quỹ đất sạch. Từ quỹ đất này, doanh nghiệp đã đặt ra kế hoạch triển khai cùng lúc 6 dự án khu đô thị gồm Akari City(8,5ha), Mizuki Park (26ha), Waterpoint (355ha), Nam Long Đại Phước(45ha), Waterfront (170ha), Nam Long Hải Phòng (21ha).

Số lượng dự án này sẽ dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường khoảng hơn 15.000 sản phẩm cho giai đoạn 3 năm 2020-2022.

Trong đó, dự án khu đô thị Waterpoint là dự án có quy mô lớn nhất của doanh nghiệp với tổng diện tích lên đến 355ha tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Dự án này đang được Nam Long triển khai và mở bán ra thị trường.

Phối cảnh khu đô thị Waterpoint Long An của Nam Long. 
Phối cảnh khu đô thị Waterpoint Long An của Nam Long. 

Đầu năm nay, Nam Long đã thâu tóm 30% vốn của Keppel Land tại dự án Đồng Nai Waterfront City. Một số nguồn tin cho biết, sau khi Keppel Land rút lui khỏi dự án, Đồng Nai Waterfront City đã được đổi tên thành dự án Izumi City.

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 của Nam Long, lãnh đạo doanh nghiệp này thông tin, dự án Izumi sẽ triển khai trong năm 2021, hiện đã tiến hành thiết kế, chuẩn bị khởi công và đã bắt đầu tiến hành mở bán.

Ngoài ra, dự án Paragon Đại Phước (Đồng Nai) đã tiến hành thiết kế và thi công, dự kiến mở bán trong năm 2022.

Thông tin tại ĐHĐCĐ năm nay, lãnh đạo doanh nghiệp cũng cho biết, kế hoạch doanh thu năm nay sẽ đến tại các dự án Mizuky (Bình Chánh, TP HCM), Vsip (Hải phòng), Paragon (Đồng Nai) với tổng lợi nhuận dự kiến 9.000 tỷ đồng (trong đó khoảng 50% là của đối tác Nhật bản). Công ty ty ước tính sẽ thu về từ các dự án này trong ba năm 2021 - 2023 khoảng hơn 4.000 tỷ.

Bên cạnh đó, công ty còn lên kế hoạch mở rộng quỹ đất “khủng” trong năm nay. Cụ thể, Nam Long cho biết sẽ chi khoảng 2.000 tỷ đồng để mở rộng quỹ đất. Doanh nghiệp sẽ tăng trưởng từng năm để đạt tổng giá trị đầu tư 10.000 tỷ đồng trở lên. Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2023 sẽ tăng trưởng 25 - 30%.

Nguồn lực tài trợ cho phát triển quỹ đất năm 2021 gồm 700 tỷ đồng vốn chủ sở hữu có được từ việc bán thành công 21 triệu cổ phiếu quỹ NLG; phát hành riêng lẻ tối đa 60 triệu cổ phiếu NLG.

Nam Long huy động vốn từ đâu?

Để “hiện thực hóa” tham vọng nói trên, Nam Long cần đến một nguồn vốn lớn, và doanh nghiệp đã tiến hành huy động từ nhiều kênh khác nhau như thế chấp dự án, tài sản; phát hành trái phiếu, cổ phiếu…

Cụ thể, cuối tháng 5/2020 Nam Long đã công bố Nghị quyết của HĐQT về việc thông qua phương án phát hành trái phiếu với số lượng phát hành dự kiến 500 trái phiếu, mệnh giá trái phiếu là 1 tỷ đồng/1 trái phiếu, tương ứng số tiền huy động là 500 tỷ đồng.

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có đảm bảo, có kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 10,5% cho toàn bộ kỳ hạn của trái phiếu. Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất của Công ty tại xã An Thạch, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, khu khu đất có diện ích 492.291,9m2.

Mục đích đợt phành hành này nhằm tăng quy mô hoạt động của doanh nghiệpvà thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của Công ty.

Đến tháng 6/2020, Nam Long công bố phát hành thành công 500 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 36 tháng, đáo hạn vào năm 2023. Trước đó, vào tháng 6/2018 Nam Long cũng phát hành 660 trái phiếu với mệnh giá 1.000 đồng/trái phiếu, lãi suất 6,5%/năm và đáo hạn vào tháng 6/2025.

Tổng nợ vay và các khoản vay nợ trái phiếu của Nam Long. Nguồn: BCTC quý 1/2021 của NLG.
Tổng nợ vay và các khoản vay nợ trái phiếu của Nam Long. Nguồn: BCTC quý 1/2021 của NLG.

Bên cạnh phát hành trái phiếu, tại ĐHĐCĐ của Nam Long ngày 24/4/2021, HĐQT doanh nghiệp đã trình cổ đông thông qua phương án phát hành tối đa 60 triệu cổ phần (tương ứng 600 tỷ đồng) trong năm 2021 để mở rộng qũy đất và bổ sung vốn lưu động cho công ty.

Đồng thời sau phát hành, vốn điều lệ của doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng lên 3.452 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Nam Long sẽ phát hành tối đa gần 36,4 triệu cổ phần (tương ứng 364 tỷ đồng) để chi trả cổ tức cho các năm 2019 và 2020.

Trong năm nay, Nam Long cũng dự định có khoản vay để phát triển dự án 190 ha tại Long An, ngoài ra còn một khoản vay gần nghìn tỷ để mua đất trong năm 2021 - Ông Châu Quang Phúc, Giám đốc tài chính Nam Long thông tin tại ĐHĐCĐ NLG.

Thế chấp hàng loạt dự án để vay nợ

Đáng chú ý, để huy động vốn, Nam Long đã thế chấp hàng loạt dự án và nhiều tài sản tại các ngân hàng để thế chấp cho các khoản vay của doanh nghiệp.

Theo BCTC quý 1/2021 của Công ty Nam Long, tính đến hết cuối tháng 3/2021, nợ phải trả tại NLG ghi nhận 9.962 tỷ đồng, chiếm tới 50,7% tổng tài sản (19.762 tỷ đồng). Trong đó nợ vay ghi nhận 2.651 tỷ đồng, tăng gần 8% so với hồi đầu năm.

Đến cuối quý 1, Nam Long có 4 khoản vay ngắn hạn tại các ngân hàng. Trong đó, có 2 khoản vay tại ngân hàng OCB với hơn 914 tỷ đồng, lãi suất từ 8,1 – 9,2%/năm. 2 khoản nợ này được đảm bảo bằng cổ phếu của công ty và một căn nhà tại quận 7, TP HCM.

Các khoản vay ngắn hạn của Nam Long. Nguồn: BCTC quý 1/2021 của NLG.
Các khoản vay ngắn hạn của Nam Long. Nguồn: BCTC quý 1/2021 của NLG.

Nam Long cũng vay nợ ngân hàng TNHH Một thành viên Standard (Việt Nam) 70 tỷ đồng với lãi suất 4,5 – 4,6%/năm. Khoản nợ được đảm bảo bằng mảng đất tại xã An Thạnh, huyện Bến Lức, Long An.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có khoản vay tín chấp ngắn hạn tại ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam -  Chi nhánh TP HCM với số nợ gần 90 tỷ đồng, lãi suất 6,%/năm.

Đối với các khoản vay nợ dài hạn, Nam Long hiện có 3 khoản nợ gồm khoản vay 200 tỷ đồng tại ngân hàng TMCP Phương Đông với lãi suất 10,2%.  Mục đích vay là tài trợ đầu tư phát triển dự án Akari. Khoản nợ được thế chấp bằng khoản phải thu phát sinh trong tương lai từ hợp đồng bán dự án và tài khoản tiền gửi tại ngân hàng của Công ty.

Các khoản vay dài hạn của Nam Long. Nguồn: BCTC quý 1/2021 của NLG.
Các khoản vay dài hạn của Nam Long. Nguồn: BCTC quý 1/2021 của NLG.

Để đầu tư phát triển dự án Akari, Nam Long còn vay 200 tỷ từ ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered (Việt Nam) với lãi suất 5,4 – 5,7% và được doanh nghiệp thế chấp bằng khoản phải thu phát sinh trong tương lai từ hợp đồng bán dự án và tài khoản tiền gửi tại ngân hàng của Công ty.

Một diễn biến khác liên quan đến việc huy động vốn của Nam Long, theo thông tin từ Cục đăng ký quốc gia về gao dịch tài sản đảm bảo, từ năm 2020 đến nay, doanh nghiệp này đã thế chấp nhiều tài sản, trong đó có các dự án lớn loạt dự án tại các ngân hàng.

Cụ thể, Nam Long đã thế chấp dự án Khu dân cư Hoàng Nam phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM (dự án Akari Hoàng Nam); toàn bộ phần vốn góp của Nam Long tại Công Ty TNHH Thành Phố Waterfront Đồng Nai. Công ty Waterfront Đồng Nai là công ty con của Nam Long, được thành lập để triển khai dự án Đồng Nai Waterfront City...

Thông tin thế chấp dự án Akari Hoàng Nam của NLG. Nguồn: Cục đăng ký quốc gia về gao dịch tài sản đảm bảo.
Thông tin thế chấp dự án Akari Hoàng Nam của NLG. Nguồn: Cục đăng ký quốc gia về gao dịch tài sản đảm bảo.

Năm 2021, NLG đặt kế hoạch doanh số sản phẩm 13.519 tỷ đồng, doanh thu thuần 4.963 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 1.152 tỷ đồng. Cổ tức dự kiến 15% bằng tiền.

Theo một Báo cáo của Chứng khoán BSC đánh giá, lợi nhuận năm 2021 của Nam Long chủ yếu đến từ dự án Waterpoint - Giai đoạn 1, Mizuki Park, Novia và chuyển nhượng dự án. Tuy nhiên, Nam Long cũng có thể gặp rủi ro với kế hoạch mở bán các dự án bị chậm lại do vấn đề pháp lý và dịch Covid-19, rủi ro chung ngành bất động sản, lãi suất cho vay, tính chu kỳ ngành…

 

Hải Lan

Nguồn Vnfinance
Link bài gốc

https://vnfinance.vn/tham-vong-trien-khai-loat-du-an-lon-va-mo-rong-quy-dat-dia-oc-nam-long-huy-dong-von-tu-dau-27850.html