Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản yêu cầu Ban QLDA Thăng Long chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45. Đặc biệt nhấn mạnh đến tiến độ triển khai của gói thầu 14-XL, Bộ GTVT cho biết mặc dù Bộ đã có nhiều văn bản đôn đốc, song, tiến độ thi công chưa đáp ứng yêu cầu.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm trễ trên được Bộ GTVT chỉ rõ là do năng lực tài chính của Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung (nhà thầu phụ thi công phần nền đường đoạn tuyến từ sau nút giao Đông Xuân đến cuối gói thầu) còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc tập kết vật liệu.

Để đảm bảo tiến độ, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA Thăng Long khẩn trương hoàn thiện thủ tục điều chuyển khối lượng còn lại của Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung cho Vinaconex trực tiếp thi công.
leftcenterrightdel
Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung hạn chế về năng lực khiến dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 chậm tiến độ. 

Đồng thời, yêu cầu Vinaconex tập trung nguồn lực tài chính triển khai thi công cuốn chiếu các lớp móng đường, thảm bê tông nhựa (BTN) ngay khi có công địa, thi công cuốn chiếu các hạng mục ATGT, lắp dựng biển báo trên đoạn từ đầu gói thầu đến nút giao Đông Xuân; hoàn thành toàn bộ nút giao Đông Xuân trước ngày 31/3/2023 và hoàn thiện các hạng mục còn lại trước ngày 30/4/2023.

Đây không phải lần đầu tiên Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung bị “bêu tên” vì “kéo lùi” tiến độ thi công dự án cao tốc Bắc – Nam.

Theo đại diện Ban QLDA 6, tại gói thầu XL03 dự cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, nhà thầu Miền Trung phụ trách thi công hạng mục đường từ Km405+000 - Km409+300 (4,3Km). Giá trị hợp đồng không bao gồm dự phòng là 352,5 tỷ đồng nhưng do nhà thầu chưa bố trí kịp thời nguồn tài chính nên tiến độ thi công bị chậm. Khối lượng chậm của Tập đoàn Miền Trung là nguyên chính chính khiến tiến độ tổng thể gói XL03 chưa đáp ứng yêu cầu.

Đáng chú ý, tại báo cáo tình hình triển khai dự án thành phần Nghi Sơn - Diễn Châu của Cục Quản lý đầu tư xây dựng ngày 15/11/2022, Công ty CP Tập đoàn Miền Trung cũng nằm trong nhóm các nhà thầu chậm tiến độ khi tính đến thời điểm báo cáo mới chỉ giải ngân được hơn 173 tỷ đồng, chậm 2,6% so với kế hoạch.

Hay tại dự án đầu tư xây dựng tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP Long Xuyên, Ban QLDA Mỹ Thuận đã có văn bản cảnh cáo chậm trễ tiến độ thực hiện gói thầu CW4C của Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung và hai đơn vị liên danh.

Tại gói thầu trị giá hơn 1.100 tỷ đồng này, Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung đảm nhận khối lượng công việc chiếm 51% tổng giá trị hợp đồng.

Nguyên nhân của việc chậm tiến độ được Ban QLDA nhận định là do chủ quan của nhà thầu trong việc chậm huy động tài chính đến công trường, tổ chức thi công giữa các đơn vị trong thành viên liên danh chưa hợp lý. Đồng thời, điều hành các nhân sự trên công trường chưa quyết liệt.

Quay trở lại dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Nghi Sơn - QL45, từ năm 2021 đến nay, Ban QLDA Thăng Long, Ban điều hành đã liên tục có văn bản nhắc nhở, phê bình, thông báo vi phạm, song sau những lần cảnh cáo, Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung vẫn chưa có chuyển biến tích cực, tài chính khó khăn, tiến độ thi công vẫn rất chậm, không đáp ứng yêu cầu.
leftcenterrightdel
 Ban QLDA Thăng Long ra văn bản thông báo vi phạm lần 2 với Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung.

Trước đó, ngày 19/8/2022, Ban QLDA Thăng Long tiếp tục có văn bản nhắc nhở nhà thầu này về việc thi công chậm trễ, yêu cầu nhà thầu tập trung nguồn lực tài chính, tăng cường tập kết vật liệu, huy động bổ sung thiết bị thi công đẩy nhanh triển khai các hạng mục công mục tại mũi thi công số 9 gói thầu XL-14.

Ngày 12/9/2022, tại văn bản thông báo vi phạm lần 2 về tiến độ thi công và khiển trách nhà thầu Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung, ban QLDA Thăng Long nêu rõ: Ngày 10/6/2021, Ban QLDA Thăng Long đã có văn bản nghiêm khắc phê bình Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung về việc thi công chậm trễ, ảnh hưởng lớn đến tiến độ của gói thầu 14-XL và tiến độ chung của dự án, yêu cầu nhà thầu khẩn trương tăng cường nhân lực, thiết bị thực hiện các biện pháp để bù đắp tiến độ bị chậm.

Trong các cuộc họp kiểm điểm tiến độ của lãnh đạo Bộ GTVT và Ban QLDA cũng nhiều lần nhắc nhở việc chậm tiến độ của Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung.

Ngày 6/12/2022, tại văn bản đôn đốc tiến độ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45, xác định tiến độ thi công của gói thầu 14-XL rất chậm, khối lượng công việc còn lại rất lớn, đặc biệt đoạn tuyến từ sau nút giao Đông Xuân (Km327+200) đến cuối tuyến (Km337+478) dài 10,28km do nhà thầu phụ Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung thực hiện, Bộ GTVT đã yêu cầu Ban QLDA Thăng Long rà soát năng lực thực hiện đối với phần khối lượng còn lại của nhà thầu phụ Công ty CP Tập đoàn Miền Trung, xem xét điều chuyển khối lượng của nhà thầu này cho nhà thầu chính Vinaconex trực tiếp thi công.

Trước đó, Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung cũng đã khiến dư luận xôn xao khi trúng thầu hàng loạt dự án “khủng” tại tỉnh Thanh Hoá bằng hình thức chỉ định thầu.

Có thể kể đến Dự án Khu dân cư đường CSEDP tại phường Đông Vệ và phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa với tổng chi phí gần 220 tỷ đồng (bao gồm chi phí GPMB); Dự án khu đô thị mới dọc Đại lộ Nam sông Mã, tại phường Đông Hải, TP Thanh Hóa (quy mô 48 ha), Dự án Khu dân cư phía Tây đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Quảng Thắng (diện tích quy hoạch khoảng 30 ha)...

Ở lĩnh vực bất động sản, Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung cũng dính nhiều lùm xùm khi bị chỉ ra loạt sai phạm tại dự án Khu đô thị Đông Hải, thành phố Thanh Hoá; chiếm đất chưa sử dụng có diện tích 3.337,5m2 tại Dự án nhà ở Thương mại số 01 và 03 Nguyễn Du, phường Điện Biên, TP. Thanh Hóa.
leftcenterrightdel
Thanh tra tỉnh Thanh Hóa đã chỉ ra nhiều sai phạm ở khu đất khu đất số 01, 03, đường Nguyễn Du, thành phố Thanh Hoá.

 

Mới đây nhất, Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung cùng CTCP Đầu tư và Thương mại Hoàng Thành trúng thầu dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) có tổng mức đầu tư của dự án hơn 3.367 tỷ đồng theo phương thức PPP.

Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung được thành lập năm 1994 với tiền thân là Công ty TNHH xây dựng giao thông thủy lợi Thanh Hóa, chuyên ngành chính là xây dựng giao thông thủy lợi vừa và nhỏ. Đến năm 2005, công ty đổi tên thành CTCP Phát triển đầu tư xây dựng giao thông thủy lợi Thanh Hóa. Năm 2012 chuyển đổi thành Tổng công ty Đầu tư Xây dựng Thương mại Miền Trung – CTCP và 3 năm sau đổi tên thành Tập đoàn Xây dựng Miền Trung (Miền Trung Group) như hiện nay.

Miền Trung Group được biết đến là cơ nghiệp do ông Mai Xuân Thực sáng lập. Cập nhật tại tháng 1/2016, tập đoàn này có số vốn điều lệ 2.689 tỷ đồng, trong đó ông Thực sở hữu 39% còn bà Lê Thanh Hoa nắm 38%. Hiện doanh nghiệp có trụ sở chính tại tại 479 Trần Hưng Đạo, phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa.
Nguyễn Lâm
Nguồn Đời sống & Pháp luật
Link bài gốc

https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tap-doan-xay-dung-mien-trung-va-nhung-lan-han-che-ve-nang-luc-keo-lui-tien-do-cao-toc-bac-nam-a566545.html