UBND huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) vừa ký hàng loạt quyết định về việc hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) đối với 35 lô đất. Lý do hủy kết quả trúng đấu giá các lô đất nói trên là do khách hàng không nộp đủ số tiền trúng đấu giá QSDĐ theo quy định.

Theo dự tính, tất cả các mặt bằng trên địa bàn huyện Quảng Xương đã đưa ra đấu giá QSDĐ, nếu người trúng đấu giá không nộp tiền thì huyện sẽ thu về khoảng 100 tỷ tiền đặt cọc.

Tình trạng bỏ cọc sau sốt đất diễn ra phổ biến
Tình trạng bỏ cọc sau sốt đất diễn ra phổ biến

Hồi cuối tháng 8, UBND huyện Hoằng Hóa đã ký quyết định hủy bỏ kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất tại khu dân cư xã Hoằng Thành đối với 21 cá nhân và 29 cá nhân khác trúng đấu giá tại khu dân cư xã Hoằng Đồng vào khoảng tháng 3/2021. Lý do hủy kết quả trúng đấu giá là do đã quá thời hạn mà khách hàng không nộp đủ tiền trúng đấu giá.

Huyện Thọ Xuân cũng phải hủy kết quả trúng đấu giá với 46 lô đất  tại khu dân cư Đông Vũng Cao, thôn Bột Thương, xã Xuân Sinh với lý do tương tự.

Theo nhận định, thời điểm khoảng từ tháng 2 đến tháng 6/2021, bất động sản Thanh Hóa bỗng dưng “sốt” mạnh, các mặt bằng đều bán rất nhanh và người trúng đấu giá cao hơn so với giá sàn Nhà nước định giá rất nhiều lần, có nơi cao gấp rưỡi, gấp đôi so với giá sàn. người trúng đấu giá chủ yếu là người của địa phương khác hoặc ở TP Thanh Hóa. Đây có thể là lực lượng cò mồi nhảy vào để tạo cơn “sốt đất” ảo, khiến thị trường bị xáo trộn. Những người trúng đấu giá với giá cao này đến thời điểm phải nộp tiền theo quy định thì sẵn sàng bỏ cọc, chứ không nộp tiền đã trúng với giá trên trời đã trúng tại các phiên đấu giá.

Tình trạng bỏ cọc, "tháo chạy" sau đấu giá đất diễn ra tại nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt tại các địa phương diễn ra sốt đất cục bộ thời gian qua. Đơn cử như Bắc Giang.

Đầu tháng 5/2021, trên địa bàn huyện Lạng Giang (Bắc Giang) tồn 103 lô đất sau phiên đấu giá đã hết thời hạn nộp tiền, nhưng hiện vẫn chưa thấy khách hàng quay lại. Những khách hàng này chấp nhận bỏ cọc để không phải nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước.

Cụ thể, tổng số tiền các lô đất mà khách hàng trúng đấu giá phải nộp là hơn 156 tỷ đồng và chênh lệch hàng chục tỷ đồng so với giá khởi điểm khi diễn ra phiên đấu giá.

Còn tại khu dân cư cạnh quốc lộ 17 (thuộc phường Đa Mai) và khu dân cư cạnh Bệnh viện Nội tiết tỉnh (xã Tân Mỹ) có tới 18 lô bỏ cọc, số tiền trúng đấu giá hơn 43 tỷ đồng, chênh khoảng 25 tỷ đồng so với giá khởi điểm của phiên đấu giá. Và số tiền bỏ đặt cọc là 2,3 tỷ đồng.

Cùng cảnh ngộ, trong tháng 10/2020, huyện Yên Dũng đã tổ chức tổng cộng 4 phiên đấu giá. Sau rà soát có 4 trường hợp bỏ cọc, không nộp tiền. Trong đó có 3 trường hợp bỏ cọc 3 lô đất tại khu dân cư mới Nham Sơn với tổng số tiền trúng đấu giá khoảng 8,2 tỷ đồng, tăng 3 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Do tình hình sốt đất được kiểm soát cùng với việc đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, kiến thị trường bất động sản chững lại. Chính vì vậy, tình trạng các "cò" đã ôm lô quay đầu bỏ cọc để không phải nộp tiền vào ngân sách là tình trạng phổ biến.

 

PV (T/h)

Nguồn Taichinhdoanhnghiep
Link bài gốc

https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/sot-dat-ha-nhiet-nha-dau-tu-dua-nhau-bo-coc-d24117.html