Kinh nghiệm và quy mô "đuối" hơn các "ông lớn" cùng ngành
Sau phát ngôn “Đất Xanh, Hưng Thịnh, Danh Khôi hay Khải Hoàn,… đều là những người đi sau, góp phần làm cuộc chơi thêm vui chứ không phải là đối thủ của Cenland” của ông Nguyễn Trung Vũ - Chủ tịch Cenland, đã có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh câu chuyện này.
Bởi khi đặt cạnh các “ông lớn” cùng ngành như Đất Xanh, Hưng Thịnh thì doanh nghiệp này kém xa cả về thị phần, quy mô, bề dày lịch sử, kết quả kinh doanh… Vậy, Cenland hiện đang ở đâu khi đặt cạnh các “ông lớn” môi giới bất động sản?
Theo giới thiệu, Cenland được thành lập vào năm 2002, ban đầu có tên là Công ty CP BĐS Thế Kỷ 21 Trường Thành, năm 2007 công ty mới chính thức đổi tên thành Công ty CP BĐS Thế Kỷ với số vốn điều lệ thời điểm này là 10 tỷ đồng.
Đến năm 2008, Cenland mới tham gia mảng môi giới Bất động sản khi Sàn giao dịch BĐS Thế Kỷ được thành lập, và đến năm 2009, Cenland lần đầu trở thành đại lý phân phối dự án khu đô thị và mở chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh.
|
|
Năm 2008, Sàn giao dịch BĐS Thế Kỷ được thành lập, Cenland mới chính thức tham gia mảng môi giới. Ảnh: Cenland. |
Trong khi đó, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng được ông Nguyễn Đình Trung thành lập năm 2002. Doanh nghiệp đã tham gia lĩnh vực môi giới bất động sản ngay từ thời điểm ban đầu với hoạt động môi giới đất nền. Giai đoạn này Hưng Thịnh nhanh chóng phất lên nhờ cơn sốt nhà đất tại khu Trung Sơn.
Trong khi Đất Xanh được ông Lương Trí Thìn thành lập năm 2003, sau đó nhanh chóng trở thành một trong những đơn vị hoạt động bất động sản chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam.
Như vậy nhìn vào lịch sử phát triển có thể thấy những công ty mà ông Vũ nhắc đến như Đất Xanh, Hưng Thịnh đều xuất hiện cùng thời với Cenland. Thậm chí những “ông lớn” này đã sớm khẳng định được tên tuổi khi Cenland chưa tham gia vào lĩnh vực môi giới BĐS.
Về quy mô, theo giới thiệu, Cenland hiện đang có mặt tại 30 tỉnh, thành phố trên cả nước, sở hữu gần 1.000 đại lý ủy quyền và sàn liên kết với hàng nghìn nhân viên môi giớt thông qua 7 công ty thành viên và 11 kênh phân phối bán hàng…
Tuy nhiên, so với nhiều doanh nghiệp cùng ngành thì quy mô của Cenland nhỏ hơn rất nhiều. Điển hình như Tập đoàn Đất Xanh, “ông lớn” này sở hữu CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Đất Xanh Services) với 48 công ty con trực tiếp và gián tiếp cung cấp dịch vụ môi giới bất động sản trên cả nước.
Trong đó, các công ty con như Đất Xanh Miền Bắc, Đất Xanh Miền Nam, Đất Xanh Miền Trung… đã có quy mô ngang ngửa, thậm chí lớn hơn, thị phần cũng hơn so với Cenland.
|
|
Đất Xanh Services sở hữu 48 công ty con cung cấp dịch vụ môi giới bất động sản trên cả nước. |
Tương tự, Tập đoàn Hưng Thịnh có hơn 100 đơn vị thành viên, 5 văn phòng đại diện, hệ thống 10 sàn giao dịch lớn và gần 100 dự án đa dạng loại hình trên khắp cả nước. Trong đó, Công ty con thành viên của Hưng Thịnh là CTCP PropertyX, được thành lập năm 2018, hoạt động trong lĩnh vực tiếp thị và phân phối bất động sản hiện có hệ thống 12 sàn giao dịch khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Tập đoàn Danh Khôi (Mã: NRC) cũng là một trong những cái tên được Chủ tịch CenLand đề cập, được thành lập năm 2006, Tại thời điểm cuối năm 2020, NRC có vốn điều lệ hơn 477 tỷ đồng.
Khải Hoàn Land là một cái tên mới nổi trên thị trường bất động sản nhưng thời gian gần đây cũng gây nhiều chú ý bơi tham vọng và quá trình tăng vốn thần tốc. Công ty này được thành lập năm 2009 với vốn điều lệ 6 tỷ đồng và tính đến tháng 8/2020 là 1.600 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này hiện có hai công ty con và 16 chi nhánh, văn phòng đại diện tại TP HCM; hơn 3.000 nhân viên, thực hiện phân phối 5.000 - 6.000 sản phẩm sơ cấp mỗi năm qua 4 kênh phân phối.
Kết quả kinh doanh bị các “ông lớn” bỏ xa
Về hoạt động kinh doanh, trong năm 2020, doanh thu của Cenland doanh nghiệp đạt 2.163 tỷ đồng và LNST đạt 300 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu hoạt động môi giới bất động sản ghi nhận 1.028 tỷ đồng, giảm gần 20% so với cùng kỳ.
Kết quả này trong năm qua của Cenland đang bị Đất Xanh bỏ lại khá xa. Theo đó, năm 2020 Đất Xanh ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.890 tỷ đồng, trong đó doanh thu môi giới ghi nhận hơn 1.931 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2020, doanh nghiệp có vốn điều lệ 5.200 tỷ đồng.
Riêng tại Đất Xanh Services, công ty con của Đất Xanh, Năm 2020, doanh thu thuần đạt 3.249 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 1.136 tỷ đồng và 873 tỷ đồng LNST của cổ đông công ty mẹ. Trong cơ cấu doanh thu, mảng môi giới ghi nhận 2.661 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2020, vốn điều lệ của công ty là 3.225 tỷ đồng.
Tại Tập đoàn Hưng Thịnh, tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế trong năm 2020 của Tập đoàn Hưng Thịnh lần lượt đạt 19.448 tỷ đồng và 1.600 tỷ đồng. Riêng doanh thu của PropertyX, cũng là doanh thu mảng môi giới BĐS ghi nhận 1.189 tỷ đồng.
|
|
Doanh thu mảng môi giới của Cenland kém các “ông lớn” như Đất Xanh Services, Hưng Thịnh. |
Kết quả kinh doanh của Tập đoàn Danh Khôi năm 2020 ghi nhận doanh thu thuần hơn 207 tỷ đồng, trong đó riêng mảng môi giới đạt hơn 199 tỷ đồng.
Còn Khải Hoàn Land, trong năm qua doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt gần 303 tỷ đồng và 97 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Trong năm 2020, 100% doanh thu của Khải Hoàn Land đến từ hoạt động môi giới, tăng 122% so với năm 2019.
Về thị phần môi giới, cho đến nay, có rất nhiều số liệu về thị phần môi giới được các đơn vị nghiên cứu đưa ra và do bản thân doanh nghiệp tự giới thiệu.
Đơn cử như Đất Xanh cho biết doanh nghiệp chiếm 30-40% thị phần môi giới; Khải Hoàn Land đứng đầu thị trường môi giới phía Nam (tính cuối năm 2020) khi chiếm lĩnh hơn 20% thị phần theo số lượng giao dịch; Cenland đang chiếm lĩnh 40% thị phần môi giới phía Bắc trong năm 2020…
Tuy nhiên, chưa có đơn vị nào đưa ra số liệu đồng nhất về thị phần môi giới cả nước, thị phần môi giới theo khu vực…
Ngoài các “ông lớn” kể trên, mảng môi giới còn có sự tham gia của nhiều tên tuổi đình đám trong mảng môi giới BĐS như Vingroup, Masterise, Him Lam, Nam Long, An Gia, TTC Land, Hải Phát… khiến sự cạnh tranh càng thêm khốc liệt.
Ứng dụng công nghệ không phải "sân chơi" riêng
Nhiều người cho rằng, có lẽ điều khiến chủ tịch Cenland tự tin, không coi các doanh nghiệp kia là đối thủ là đang muốn nói về ứng dụng công nghệ trong hoạt động môi giới BĐS. Và họ đi trước những tập đòan kia về lĩnh vực này.
Ông Vũ chia sẻ, “cách làm của Cenland là đầu tư vào công nghệ để nắm khách hàng, như cách mà những công ty công nghệ hàng đầu thế giới đã làm” thì có thể ông Vũ đang đê cập đến nền tảng Proptech- Cen homes mà họ vừa mua lại – Rằng Cenland đang đầu tư vào công nghệ và đang đi trước những doanh nghiệp tên tuổi kia.
|
|
Nền tảng Proptech - Cen homes. |
Thực tế, việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bất động sản đang là một xu thế chung trên thế giới và đang được nhiều doanh nghiệp phổ biến tại Việt Nam.
Vì vậy, công nghệ cũng không phải là “sân chơi” riêng của Cenland. Nếu nói đến ứng dụng công nghệ ở lĩnh vực BĐS (Property technology) thì không chỉ CenLand mà những doanh nghiệp cùng ngành đều đã và đang tiến tới áp dụng.
Tiên phong phải kể đến là mô hình O2O (Online to Offline) vào kinh doanh bất động sản thứ cấp của Vinhomes, ứng dụng Sunshine App của Sunshine Group, Đất xanh cũng ra Đất xanh service.
Gây chú ý nhất có lẽ phải kể đến TopenLand 1 proptech của Hưng Thịnh, doanh nghiệp đã rót 25 triệu đô la Mỹ phát triển dự án này và và con số đầu tư chưa dừng lại. Dự kiến nền tảng này công bố sớm trong mục tiêu minh bạch thông tin, giảm chi phí giao dịch, rút ngắn thời gian giao dịch cho các chủ thể tham gia thị trường.
Tham vọng của Hưng Thịnh với dự án này thể hiện ngay trong chiến lược phát triển thương hiệu cho dự án. Mặc dù dự án chưa ra mắt nhưng cái tên TopenLand - đã chi tới 150 tỷ tài trợ cho đội bóng Bình Định trong 3 năm để làm thương hiệu.
Hải Lan