Cực tăng trưởng mới
Mô hình “thành phố trong thành phố” đã thành công tại nhiều đô thị lớn trên thế giới, từ châu Âu đến các thành phố châu Á như Seoul, Manila, Tokyo. Seoul đã phát triển hai bờ sông Hàn và cùng với Incheon lân cận (3 triệu dân), hình thành trung tâm kinh tế quan trọng. Gangnam phía Nam Seoul cũng trở thành vùng đô thị quốc tế với 5 triệu dân, nhờ hệ thống quản lý hành chính từ thành phố đến phường. Tại Việt Nam, TP.HCM và Hà Nội đang áp dụng mô hình này để tạo các cực tăng trưởng mới, giảm tải cho vùng lõi và thúc đẩy các khu vực lân cận phát triển.
Trong bối cảnh này, Hải Phòng kỳ vọng đưa Thủy Nguyên lên thành phố trực thuộc vào năm 2025, phát triển theo ba mô hình: đa trung tâm, công nghiệp tích hợp, và thành phố sinh thái – cân bằng giữa đô thị hóa và môi trường. Thủy Nguyên sẽ trở thành “vành đai kinh tế công nghiệp - dịch vụ” quan trọng của thành phố và khu vực.
|
|
Thuỷ Nguyên đang trong đà đẩy mạnh phát triển kinh tế đô thị theo hướng nhanh, hiệu quả, bền vững |
Khoảng 5 năm trở lại đây, Hải Phòng dành nguồn lực lớn để đầu tư hệ thống hạ tầng đô thị và hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện cho Thủy Nguyên. Huyện đang trở thành điểm kết nối thuận lợi vùng và cả nước, thuận tiện cho việc luân chuyển hàng hóa trong nội địa lẫn thị trường quốc tế.
Với 5 khu và cụm công nghiệp, 3 điểm công nghiệp cùng các làng nghề, Thủy Nguyên đang đóng vai trò động lực cho kinh tế Hải Phòng trong các ngành như khai thác, sản xuất xi măng, logistics tàu biển, thép, đúc kim loại, nhiệt điện và lắp ráp linh kiện điện tử. Nổi bật là KCN VSIP Hải Phòng và Nam Cầu Kiền, liên tục mở rộng để thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Giai đoạn 2025-2030, Thủy Nguyên sẽ tập trung hoàn thiện quy hoạch đô thị, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, đặc biệt là giao thông trục chính, và thúc đẩy kinh tế đô thị bền vững, khai thác tối đa tiềm năng địa phương.
Thiếu khu đô thị nằm tại trung tâm vùng lõi
Trên hành trình vươn lên thành đô thị, Thủy Nguyên đã đạt nhiều thành tựu, nhưng để hoàn thiện mô hình “thành phố trong thành phố,” vẫn cần tháo gỡ một số “ẩn số” quan trọng. Các thách thức chính gồm thu hút vốn đầu tư, tối ưu nguồn lực địa phương, phát triển KCN đồng bộ và khu dân cư bền vững. Đặc biệt, “ẩn số” về phát triển đô thị vẫn còn chưa đạt kỳ vọng.
Giới Kiến trúc sư cho rằng quy hoạch “thành phố trong thành phố” phải làm rõ hình thái phân bố dân cư đối với đô thị trung tâm, đô thị mở rộng và đặc biệt là các đô thị vệ tinh, thành phố thuộc tỉnh.
Việc phát triển mô hình “thành phố trong thành phố” sẽ làm thay đổi cấu trúc thành phố “mẹ” để khai thác tiềm năng hiệu quả hơn trong quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị và kinh tế đô thị… Tuy là thành phố “con” nhưng Thuỷ Nguyên được nhìn nhận sẽ là cơ hội tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội với vai trò là hạt nhân, động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, dẫn dắt sự phát triển chung của toàn thành phố và phụ cận.
Trong bối cảnh Thủy Nguyên bước vào giai đoạn phát triển trọng điểm 5 năm tới, hàng loạt nhà phát triển bất động sản uy tín đã hội tụ để khai thác tiềm năng, góp phần nâng cao chất lượng sống cho khu vực. Nổi bật trong số đó là các dự án đô thị quy mô lớn như Vlasta - Thủy Nguyên của Văn Phú - Invest và Hoàng Huy Green River của Hoàng Huy Group, đem đến nhiều loại hình nhà ở phong phú, hiện đại, hướng tới việc kiến tạo một cộng đồng văn minh và môi trường sống cao cấp hơn. Khác với các dự án hiện tại như Belhomes VSIP Hải Phòng tập trung phục vụ cư dân quanh khu công nghiệp, các dự án khu đô thị mới tương lai định hướng phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của toàn bộ cư dân trung tâm Thủy Nguyên, góp phần thay đổi diện mạo khu vực và nâng cao tiêu chuẩn sống của người dân.
Theo bà Nguyễn Lê Dung, Trưởng bộ phận Môi giới và Đầu tư, Savills Hà Nội, thị trường bất động sản đang chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ sang các sản phẩm đa dạng và bền vững. Các nhà phát triển có thể tận dụng cơ hội này để xây dựng các khu đô thị thông minh, kết hợp hài hòa giữa không gian sống, làm việc và giải trí. Việc đầu tư vào các giải pháp xanh không chỉ đáp ứng nhu cầu của khách hàng mà còn góp phần nâng cao vị thế của doanh nghiệp trên thị trường…
“Các nhà phát triển nên tận dụng các yếu tố thuận lợi của Thủy Nguyên như: Khai thác tối đa các lợi thế về cảnh quan tự nhiên và vị trí địa lý để thu hút các nhà đầu tư và người mua; thúc đẩy hợp tác với chính quyền địa phương và các đối tác trong ngành để đảm bảo việc triển khai dự án một cách suôn sẻ và hiệu quả”, bà Dung cho biết.
Đặc biệt, theo chuyên gia phong thuỷ, Thuỷ Nguyên sở hữu vị trí lõi trung tâm mang nhiều ý nghĩa phong thuỷ, tâm linh chắc chắn sẽ tạo nên sự thịnh vượng giúp thu hút các yếu tố tăng trưởng đến với cực tăng trưởng mới của Hải Phòng trong tương lai.