|
|
Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ nhà ở giá thấp có diện tích nhỏ hơn 70m2 và giá bán đến 15 triệu đồng/m2 (Ảnh: Int) |
Làm thế nào để kéo giá nhà ở xuống thấp luôn là một bài toán khó đối với các nhà quản lý, chính quyền địa phương. Bởi, để hình thành nên một ngôi nhà giá thấp, đáp ứng được tiêu chí cho người có thu nhập thấp nhưng vẫn bảo đảm an toàn là không dễ.
Còn nhiều bất cập
Từ vài năm trước, ý tưởng xây dựng căn hộ 25m2 đáp ứng nhu cầu cho người thu nhập thấp của Bộ Xây dựng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Điều khiến dư luận lo ngại nhất là sẽ hình thành nên một khu “ổ chuột” với sự quá tải của hạ tầng và dân số.
Mới đây, tại báo cáo thị trường bất động sản gửi Quốc hội, Bộ Xây dựngcũng khẳng định đang có sự mất cân đối về nhà ở: trong khi nhà giá thấp thưa thớt, thậm chí vắng bóng trên thị trường, thì nhà ở trung - cao cấplại dư thừa.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) về tình trạng phân khúc nhà ở xã hội (NƠXH) đang vắng bóng dần ở các thành phố lớn,Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 12,5 triệu m2 NƠXH. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, cả nước mới xây dựng được 5,2 triệu m2, trong đó cho người thu nhập thấp ở đô thị là 2,8 triệu m2 và công nhân ở khu công nghiệp là 2,3 triệu m2, đáp ứng 41,5% nhu cầu.
Nguyên nhân được Bộ trưởng chỉ ra, là do cơ chế chính sách chưa đủ khuyến khích các nhà đầu tư; thủ tục còn nhiều bất cập và thiếu nguồn vốn hỗ trợ người mua nhà ở theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa bố trí đủ quỹ đất, chưa quan tâm xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự ánNƠXHvà chưa quyết liệt cải cách thủ tục hành chính.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA)cũng đã chỉ ra tới hơn 10 bất cập chính đang "kìm hãm" quá trình phát triển NƠXH. Điển hình như việc chưa có quy hoạch khu vực riêng để lập dự án đầu tư xây dựng, kết hợp với các dự án nhà ở thương mại giá thấp; bất cập khi sử dụng quỹ đất công để làm NƠXH; bất cập khi sử dụng quỹ đất do doanh nghiệp tạo lập làm dự án NƠXH; bất cập trong quy định về cách tính giá trị "quỹ đất 20%"…
Tăng hỗ trợ để khuyến khích phát triển
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, để giải bài toán này trong thời gian tới, Chính phủ và Thủ tướng đã có chỉ đạo và nhiều giải pháp đang được triển khai thực hiện. Trước hết là ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và diện tích căn hộtối thiểu 45m2, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, quan tâm đầu tư cho người dân vay vốn, các địa phương bố trí quỹ đất, hạ tầng…
Đồng thời, tới đây, Bộ Xây dựng sẽ sửa đổi căn bản Nghị định 100 tạo cơ chế đột phá hơn cho doanh nghiệp, người dân mua NƠXH.
“Chúng tôi cũng đang báo cáo Chính phủ hỗ trợ nhà ở giá thấp có diện tích nhỏ hơn 70m2 và giá bán đến 15 triệu đồng/m2. Hiện, cơ cấu nhà ở đô thị có diện tích nhỏ và giá dưới 1 tỷ đồng rất khan hiếm", Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho hay.
Về giải pháp tháo gỡ khó khăn phát triển NƠXH, ông Lê Hoàng Châu đề nghị bãi bỏ quy định tại Khoản 2 Điều 33 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, cho phép Ngân hàng Chính sách xã hội được cho chủ đầu tư dự án NƠXH vay ưu đãi, theo quy định của Luật Nhà ở 2014 và Điều 15 Nghị định 100/2015/NĐ-CP.
Về lãi suất cho vay ưu đãi, HoREA đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi NƠXH thống nhất cùng một loại lãi suất tại Ngân hàng Chính sách xã hội và tại các ngân hàng thương mại cổ phần khác. Về lâu dài, khi nền kinh tế phát triển mạnh hơn, HoREA kiến nghị thực hiện mức lãi suất ưu đãi vay mua NƠXH từ 3-3,5%/năm để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người có thu nhập thấp ở các đô thị có thể mua được nhà ở.
Ngoài ra, HoREA đã có nhiều khuyến nghị đến các tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản cần chuyển hướng đầu tư vào các dự án NƠXH, nhà ở thương mại giá thấp.
Chủ tịch HoREA cho rằng, nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp thì sẽ huy động được nhiều doanh nghiệp bất động sản tham gia, có thể hình thành các khu đô thị, khu dân cư có các loại nhà ở vừa túi tiền.
Có thể nói, việc Bộ Xây dựng đưa ra các giải pháp về thể chế, tài khóa và tín dụng đối với phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, đặc biệt là tập trung trọng tâm phát triển NƠXH, coi đây là giải pháp tạo đà, "kích thích" sự phát triển của thị trường bất động sản trong giai đoạn khó khăn hiện nay, đã nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia.
Các chuyên gia kỳ vọng, Bộ Xây dựng cần phối hợp đánh giá kỹ lưỡng tình hình các dự án nhà ở, bất động sản lớnở 2 thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM, từ đó có hướng giải quyết nhanh chóng và kịp thời hơn.