Chưa đấu thầu đã được thi công?
Dự Khu đô thị Hiệp Bình Phước tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức), TP HCM (được gọi tắt là Vạn Phúc City) trước đây được giao cho Công ty Xây dựng và Phát triển Kinh tế quận 6 làm chủ đầu tư sau đó được điều chỉnh giao lại cho Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Vạn Phúc (gọi tắt là Cty Vạn Phúc) làm chủ đầu tư.
Căn cứ theo quyết định 4337/QĐ-UBND của UBND TP HCM về việc duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 dự án Vạn Phúc City thì diện tích rạch và hồ điều tiết được xác định là 16,3 ha.
Đến ngày 12/8/2017 UBND TP HCM có quyết định số 4353/QĐ-UBND duyệt đồ án quy hoạch thành công viên chuyên đề và hồ điều tiết. Theo đó, tông diện tích đồ án được phê duyệt là hơn 21,6 ha. Trong đó, 16,4 ha là diện tích đất công viên và hồ điều tiết (5,2 ha là đất công viên chuyên đề và gần 11,2 ha làm hồ điều tiết).
Trao đổi với phóng viên, phía UBND quận Thủ Đức cho biết liên quan đến việc triển khai xây dựng công viên chuyên đề trong khu đô thị Vạn Phúc City thì ngày 23/7/2018 UBND TP HCM có công văn số 7990/VP-ĐT giao Sở ngành thành phố và UBND quận Thủ Đức tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Công viên chuyên đề trong khu đô thị Vạn Phúc City theo đúng quy định hiện hành. Hiện nay các sở ngành thành phố vẫn đang trong quá trình triển khai chưa tổ chức đấu thầu.
Thế, trong khi việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án công viên chuyên đề trong khu đô thị Vạn Phúc City vẫn đang được các sở ngành của TP triển khai lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện thì phần công viên đã được thi công xây dựng hình thành một công viên bề thế trên mặt hồ điều tiết tại dự án Vạn Phúc City.
Cùng với đó, theo ghi nhận của phóng viên, các công trình công viên trên mặt hồ và xung quanh hồ điều tiến trong khu đô thị Vạn Phúc City đang dần hoàn thiện. Các phương tiên truyền thông về dự án quảng cáo có giới thiệu quảng cáo rầm rộ về công viên giải trí tầm cỡ Quốc tế Ocean World Ho Chi Minh tại hồ Đại Nhật rộng 21ha giữa trung tâm khu đô thị Vạn Phúc City.
Hồ điều tiết bị “biến tướng”
Theo ý kiến của Sở Xây dựng thì kênh là công trình có chức năng chuyển tải nước phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt và sản xuất, ngoài ra bờ kênh và lòng kênh còn có thể làm chức năng khác như giao thông thủy, bộ, bao gồm kênh được xây dựng bằng đất, đá, gạch, bê tông, bê tông cốt thép, bê tông lưới thép hoặc các vật liệu khác. Còn hồ điều tiết (hồ điều hòa) thuộc hệ thống thoát nước, nhằm mục đích giảm lượng lưu đỉnh, lưu lượng của hệ thống thoát nước, giảm tốc độ tiêu cực do nước mưa gây ra, giữ ổn định nước ngầm và tạo cảnh quan môi trường.
Theo đó, có hai loại hồ điều tiết: Hồ nằm trước cống, có chức năng ngăn lượng mưa lớn trước khi chảy vào cống. Có thể đặt hồ này ở khắp nơi như các sân đất trống, trũng hay cao, không phân biệt vị trí vỉa hè, đường hẻm... Loại hồ này rất quan trọng và cần thiết, còn được gọi là hồ điều tiết “phòng ngập”.
Loại khác, có chức năng trữ nước khối lượng lớn, làm chậm dòng chảy, điều tiết lượng nước ra, vào từ các cống khi triều lên cao hoặc mưa lớn. Loại hồ này nằm ở vị trí thấp, diện tích lớn, thường đặt ở ngoại thành, kết hợp kênh, rạch hoặc chính nó là sông. Hồ này nằm sau cống, nên nước dễ bị hôi, tụ rác, chất thải, bùn, đất tràn vào.
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Hồ Long Phi nguyên GĐ Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu cho rằng việc kết hợp hồ điều tiết làm hồ cảnh quan thì chức năng không phải hồ điều tiết. Theo đó, trước đây đã có những thiết kế kết hợp giữa hồ điều tiết với hồ cảnh quan, nhưng khi đi vào vận hành thì không thành công và rất tốn kém, vì chức năng điều tiết, chống ngập, lụt của hồ không thể hiện hết công năng, không điều tiết và lọc nước kịp thời, không lưu thông dòng chảy, ứ đọng, hôi hám, ô nhiễm cả diện rộng.
Theo đó, trong điều kiện hiện nay của thành phố, nhiều cơ sở hạ tầng còn cũ, nước mưa và nước thải vẫn chung một đường cống, nên hồ điều tiết thường trữ cả hai, tạo ra nguồn nước rất ô nhiễm. Vì vậy, cần có giải pháp nghiên cứu tổng thể, việc thiết kế hồ điều tiết phải thật sự công phu, phải có những giải pháp cho đường thu gom rác, bùn, chất thải… để đưa nước sạch vào hồ.
Có thể thấy, việc tạo hồ cảnh quan và công viên chuyên đề trên bề mặt hồ điều tiết chủ yếu là phục vụ mục đích thương mại quảng bá cho người dân thấy thêm các tiện ích khi lựa chọn mua dự án, tiện ích tăng thì đồng nghĩa với giá trị dự án cao.
Cùng với đó, khi đầu tư dịch vụ thì chắc chắn có những hoạt động kinh doanh khu vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn… thì việc có nguy cơ ô nhiễm hồ điều tiết là không tránh khỏi.
Trao đổi với báo chí, GS.TSKH Lê Huy Bá - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Môi trường thì ước tính trung bình mỗi người thải ra 2kg rác/ngày và dùng khoảng 100-200 lít nước/ngày. Theo đó, viễn cảnh giữa hồ điều tiết và hồ cảnh quan được “vẽ” ra là tuyệt vời, nhưng duy trì việc đảm bảo vệ sinh môi trường là vấn đề cần bàn đến.
Mặt khác, đã gọi là hồ cảnh quan thì nước hồ phải sạch. Do đó, kết hợp hồ cảnh quan với hồ điều tiết thì phải cân nhắc kỹ, thiết kế kỹ thuật không đúng, không đảm bảo độ an toàn thì sau một thời gian vận hành hồ điều tiết sẽ thành “hồ nước thải”, lúc này cư dân chịu hết hậu quả.
Theo đó, khi triển khai xây dựng cần được các cơ quan chuyên môn đánh giá, kiểm tra, thẩm định chứ không thể tự ý triển khai xây dựng.
Pháp luật Plus đề nghị UBND TP Thủ Đức, cùng các cơ quan ban ngành TP HCM vào cuộc kiểm tra, xử lý việc hàng loạt công trình tại dự án Vạn Phúc City xây dựng khi chưa được cấp phép.
Ngọc Hiếu