Lợi nhuận “bốc hơi” 60%
Công ty cổ phần đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest) đang bộc lộ nhiều vấn đề. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022, hai chỉ tiêu quan trọng của công ty đều giảm rất sâu.
Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong kỳ giảm 194 tỷ đồng, tương đương 77,6% xuống chỉ còn 56 tỷ đồng. Đây là kỳ mà doanh thu tại Hải Phát ghi nhận mức thấp nhất kể từ quý 3/2018.
Trong khi đó, giá vốn hàng bán giảm nhẹ hơn, giảm 93 tỷ đồng, tương đương 62,4%, thấp hơn khá nhiều so với tốc độ giảm 77,6% doanh thu. Thế nhưng, chỉ tiêu này vẫn nhỉnh hơn doanh thu một chút và đạt 56,5 tỷ đồng. Chính vì vậy, trong quý 1/2022, Hải Phát Invest đã lỗ gộp 536 triệu đồng trong quý 1/2022.
Thế nhưng, trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính lại tăng mạnh, tăng 65,6 tỷ đồng, tương đương 691% lên 75,1 tỷ đồng nên tính chung, Hải Phát Invest đã thoát cảnh thua lỗ.
Dù vậy, lợi nhuận sau thuế quý 1/2022 vẫn “bốc hơi” rất mạnh, giảm tới 49,4 tỷ đồng, tương đương 70,1% xuống 21,1 tỷ đồng.
Có thể thấy, doanh thu hoạt động tài chính đã giúp Hải Phát Invest thoát lỗ. Trong 75,1 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính, có tới 70 tỷ đồng là lãi bán các khoản đầu tư.
Như vậy, nhờ bán tài sản, trong quý 1/2022, Hải Phát Invest mới có thể thoát lỗ. Đáng chú ý, “chiêu bài” này vừa được công thực hiện trong năm 2021.
Năm 2021, doanh thu tại Hải Phát Invest tăng rất nhẹ, từ 1.330 tỷ đồng lên 1.417 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lại lên tới 286 tỷ đồng, tăng 188 tỷ đồng, tương đương 192% so với năm 2020.
Lãi tại công ty tăng đột biến nhờ vào doanh thu hoạt động tài chính tăng từ 148 tỷ đồng lên 462 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lãi từ chuyển nhượng cổ phần lên đến 338 tỷ đồng, chiếm 73,2 tổng doanh thu hoạt động tài chính.
Đây là khoản lãi từ giao dịch chuyển nhượng 27% cổ phần trong Công ty Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Hải Phát (Hải Phát Land) và lãi từ việc chuyển nhượng 20% cổ phần công ty này trong năm 2020 nay được chuyển từ lợi nhuận chưa phân phối sang doanh thu hoạt động tài chính do Nhóm công ty đã mất quyền kiểm soát với công ty con này trong năm 2021.
Có thể thấy, gần đây, Hải Phát Invest hoặc tránh lỗ, hoặc đạt tăng trưởng lợi nhuận dương chủ yếu là do hoạt động bán tài sản. Điều này cho thấy bức tranh tài chính bất ổn của Hải Phát Invest.
Ông Đỗ Quý Hải “bật” khỏi Top 30 người giàu nhất
Tại Hải Phát Invest, ông Đỗ Quý Hải vừa là người đại diện pháp luật, vừa nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị. Đồng thời, ông Hải cũng là cổ đông lớn nhất khi sở hữu gần 92,1 triệu cổ phiếu HPX, tương đương 30,27% vốn công ty.
Cổ đông lớn thứ hai là Vietnam Enterprise Investments Limited chỉ có trong tay 5,74% vốn Hải Phát Invest. Cổ đông lớn thứ ba là bà Chu Thị Lương, vợ ông Đỗ Quý Hải. Bà Lương là chủ nhân của 2,84% vốn công ty.
Cuối năm 2021 là thời điểm cổ phiếu HPX tăng rất mạnh, đạt “đỉnh” 40.000 đồng/CP được thiết lập trong ngày 26/11/2021. Tuy nhiên, từ đó cho tới nay, HPX đang trên đường “dò đáy”.
Đóng cửa phiên giao dịch 17/6/2022, HPX dừng ở mức 27.250 đồng/CP, giảm 12.750 đồng/CP, tương đương 31,9% so với “đỉnh”. HPX khiến giá trị cổ phiếu thuộc sở hữu của ông Đỗ Quý Hải “bốc hơi” 1.174 tỷ đồng xuống chỉ còn 2.509 tỷ đồng.
Với lượng cổ phiếu có thị giá khoảng 2.500 tỷ đồng, hiện tại, ông Hải đang đứng ở vị trí thứ 64 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Đây là cú trượt dài của ông Đỗ Hải An vì trước đó, ông có thứ hạng cao hơn rất nhiều.
Vị trí của ông Đỗ Quý Hải hồi cuối năm 2021 là 57 với 3.066 tỷ đồng, hồi cuối năm 2020 là 33 với 2.606 tỷ đồng.
Sau 2,5 năm, ông Đỗ Quý Hải đã đi lùi tới 31 bậc.
Vị thế trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán của ông Đỗ Quý Hải đã thay đổi cho thấy rõ một điều Hải Phát Invest đang yếu thế hơn so với các đối thủ.