Xây trước, xin sau…. Cơ quan chức năng có bật đèn xanh?
Thời gian gần đây, tòa soạn Môi trường và Cuộc sống liên tục nhận được thông tin phản ánh của bạn đọc về việc chủ đầu tư tòa nhà HDI Tower tự ý thay đổi công năng diện tích tầng 3 để làm trường học khi chưa được cơ quan chức năng đồng ý và việc trường học mầm non quốc tế đi vào hoạt động khi chưa được thẩm duyệt phương án PCCC. Không những vậy, hiện nay giấy phép xây dựng của Tòa nhà được sở Xây dựng Hà Nội cấp lại không đúng với các quy định của pháp luật và chủ đầu tư thi công cũng sai so với giấy phép được cấp.
|
|
Tòa nhà HDI Tower 55 Lê Đại Hành bỏ ngỏ nhiều quy định trong việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường trước sự làm ngơ của các cơ quan chức năng |
Cụ thể, ngày 31/12/2014, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng phát triển nhà số 7 Hà Nội được sở Xây dựng cấp giấy phép số 62/GPXD-SXD cho Dự án 55 Lê Đại Hành, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tuy nhiên, một điều lạ đó là đến ngày 17/8/2017 UBND thành phố Hà Nội mới có quyết định số 5743/QĐ-UBND về phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án “Đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp văn phòng thương mại, dịch vụ và nhà ở” (viết tắt là HDI Tower).
|
|
Sở Xây dựng cấp giấy phép số 62/GPXD-SXD cho Dự án 55 Lê Đại Hành khi chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường |
Trong khi đó, tại điều 3 quyết định số 5743/QĐ-UBND nêu rõ: Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định các bước tiếp theo của Dự án quy định tại Khoản 2, Điều 25, Luật Bảo vệ môi trường. Vậy, câu hỏi đặt ra rằng, tại sao ngày 31/12/2014 Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép xây dựng cho Dự án trước rồi sau đó đến ngày 17/8/2017 UBND thành phố Hà Nội mới có quyết định số 5743/QĐ-UBND về phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường?. Vì sao lại có sự nghịch lý như vậy?. Sở Xây dựng Hà Nội lấy căn cứ nào để cấp giấy phép xây dựng cho chủ đầu tư Dự án triển khai công trình. Có hay không Sở Xây dựng Hà Nội đã “tạo điều kiện”, “bật đèn xanh” cho chủ đầu tư “vượt rào” bất chấp các quy định của pháp luật?.
|
|
Theo Giấy phép xây dựng, tầng kỹ thuật nằm trên tầng 19 của tòa nhà nhưng hiện nay tầng kỹ thuật lại được chủ đầu tư hô biến đặt giữa tầng 5 và tầng 6 của tòa nhà và vẫn chỉ là 1 mặt sàn trống trơn |
Không những vậy, hiện nay theo giấy phép xây dựng được cấp thì Dự án có quy mô 3 tầng hầm +19 tầng nổi + tầng kỹ thuật. Chiều cao công trình: từ cao độ vỉa hè đến cao độ đỉnh mái (của tầng chính) là 72,15m; chiều cao đến đỉnh tum thang, tầng kỹ thuật là 75,45m. Nhưng tại báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án được cấp ngày 17/8/2017 lại mọc lên 1 tầng kỹ thuật HH ngay giữa tầng 5 và tầng 6 của Tòa nhà.
Rõ ràng chủ đầu tư đã thi công không đúng với giấy phép xây dựng được cấp. Vậy kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình hỗn hợp văn phòng thương mại, dịch vụ và nhà ở” (viết tắt là HDI Tower) có địa chỉ tại 55 Lê Đại Hành ngày 20/01/2020 của Sở Xây dựng có thực sự khách quan?. Câu hỏi này xin gửi tới UBND TP. Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội để có câu trả lời thỏa đáng tới bạn đọc và dư luận.
Chủ đầu tư vượt rào pháp luật, biến tướng công năng sử dụng
Theo phản ánh của bạn đọc về việc chủ đầu tư Tòa nhà HDI Tower tự ý thay đổi công năng diện tích tầng 3 để làm trường học khi chưa được cơ quan chức năng đồng ý thay đổi công năng sử dụng và việc trường học mầm non quốc tế đi vào hoạt động khi chưa được thẩm duyệt phương án PCCC.
Theo ghi nhận thì tại tòa nhà đang có một Trường mầm non quốc tê Maple Bear đặt tại tầng 3| các lớp học được phủ kín cả diện tích tầng 3 được đầu tư, bố trí khang trang, đẹp đẽ.
|
|
Trường mầm non quốc tê Maple Bear đặt tại tầng 3 – Tòa nhà HDI Tower, các lớp học được phủ kín cả diện tích tầng 3 được đầu tư, bố trí khang trang, đẹp đẽ đã đi vào hoạt động được hơn nửa năm nay nhưng chính quyền lại không biết, không hay |
Theo tìm hiểu được biết, tại quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt năm 2017, thì công năng từ tầng 1 đến tầng 5 của tòa nhà được quy định như sau: Tầng 1: bố trí sảnh, văn phòng, trung tâm thương mại, kỹ thuật – phụ trợ, vệ sinh công cộng; Tầng 2: thương mại, dịch vụ; Tầng 3: văn phòng; Tầng 4: văn phòng, kỹ thuật bể bơi; Tầng 5: dịch vụ công cộng, bể bơi, sinh hoạt cộng đồng. Điều này có nghĩa là diện tích tầng 3 được cơ quan chức năng quy định để làm văn phòng thì nay đã được chủ đầu tư thay đổi công năng biến thành trường học. Việc làm này hoàn toàn sai so với Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được UBND Tp. Hà Nội phê duyệt và cơ quan PCCC thẩm duyệt thiết kế PCCC.
|
|
Ông Nguyễn Văn Chính – Phó Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng xây dựng phát triển nhà số 7 Hà Nội (chủ đầu tư tòa nhà) làm việc với PV Moitruong.net.vn |
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Chính – Phó Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng xây dựng phát triển nhà số 7 Hà Nội (chủ đầu tư tòa nhà) thừa nhận: “Chủ đầu tư đã được nghiệm thu PCCC cho cả dự án rồi nhưng khi các đơn vị vào thuê thì phải làm nghiệm thu chi tiết bổ sung. Quy trình mình đã nắm bắt được hết rồi, khi đơn vị vào thuê (trường mầm non Maple Bear) đã có hồ sơ chuyển sang PCCC nhưng vướng một cái là chủ đầu tư phải bổ sung công năng thì PCCC mới nghiệm thu cho”. Điều này đồng nghĩa với việc Ban giám hiệu Trường mầm non quốc tế Maple Bear đang đưa các lớp học đi vào hoạt động khi chưa được cơ quan chức năng nghiệm thu phương án PCCC. Tính mạng của các học sinh này hiện nay đang được đặt lên bàn cân may rủi, ai có thể đảm bảo được rằng hỏa hoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi phương án PCCC tại tầng 3 chưa đủ điểu kiện để đi vào hoạt động. Không biết các bậc phụ huynh đang gửi gắm con mình vào một môi trường học tập được giới thiệu là đẳng cấp quốc tế có nắm bắt được sự nguy hiểm này hay không?. Vì sao trong các buổi kiểm tra, công an PCCC của quận Hai Bà Trưng lại không có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để?
Liên quan về những thông tin trên, trao đổi với PV, ông Đỗ Văn Nội – Phó Chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự kiêm cán bộ môi trường đô thị, PCCC phường Lê Đại Hành cho biết: “Ngày 17/7/2020, phường đã tổ chức kiểm tra về PCCC và thực hiện Luật bảo vệ môi trường đối với dự án HDI Tower. Qua kiểm tra chủ đầu tư chưa xuất trình được ĐTM, chưa thành lập phương án chữa cháy do chưa thành lập ban quản trị. UBND phường đã yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương thành lập ban quản trị. Sau 15 ngày phải xây dựng phương án chữa cháy và cung cấp các hồ sơ về thực hiện Luật bảo vệ môi trường cho UBND phường để giám sát”.
|
|
Ông Đỗ Văn Nội – Phó Chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự kiêm cán bộ môi trường đô thị, PCCC phường Lê Đại Hành cho biết: “Qua kiểm tra chủ đầu tư Tòa nhà HDI Tower chưa xuất trình được ĐTM, chưa thành lập phương án chữa cháy” |
Qua quá trình trao đổi, ông Nội đã cung cấp cho phóng viên biên bản kiểm tra ngày 17/7/2020 của UBND phường Lê Đại Hành đối với toà nhà HDT Tower – 55 Lê Đại Hành, trong biên bản cũng đã nêu rõ những vấn đề còn tồn tại, cụ thể như: “Đã thành lập lực lượng PCCC cơ sở gồm 20 đội viên nhưng chưa được tập huấn nghiệp vụ PCCC; Chưa xây dựng phương án chữa cháy theo quy định; Chưa lập hồ sơ quản lý hoạt động PCCC; Chưa thực hiện đo điện trở tiếp địa chống sét định kỳ”.
Theo đó, tại văn bản số 360/PC07-DD5 được Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ – Công an Tp. Hà Nội cấp ngày 7/11/2019 về việc nghiệm thu PCCC đối với công trình: “Hỗn hợp văn phòng thương mại, dịch vụ và nhà ở, tại số 55 Lê Đại Hành có nêu: Khi cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng của công trình, hạng mục công trình phải đảm bảo theo quy định tại Điều 13, Điều 15 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ và gửi hồ sơ đến cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy để được thẩm duyệt thiết kế về PCCC theo quy định.
|
|
Trường mầm non quốc tế Maple Bear đi vào hoạt động nhưng chưa được thẩm định phương án PCCC |
Làm việc với PV, ông Nguyễn Thanh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND phường Lê Đại Hành cho hay: “Sau buổi làm việc ngày 17/7/2020 phường đã đề nghị chủ đầu tư cung cấp các hồ sơ còn thiếu trong buổi kiểm tra. Tuy nhiên, do một số đồng chí của Hadico 7 đi Đà Nẵng về đang cách ly nên chưa cung cấp được cho phường”.
|
|
Ông Nguyễn Thanh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND phường Lê Đại Hành cho biết: “Hôm nay, qua buổi làm việc với báo chí mới nghe thông tin về chủ đầu tư sử dụng sai công năng ở tầng 3. Sau buổi làm việc phường sẽ kiểm tra, nếu sử dụng sai sẽ báo cáo UBND quận cùng các cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý. |
Trước câu hỏi của PV về việc công năng của Tòa nhà HDI Tower đang bị chủ đầu tư sử dụng sai mục đích, chính quyền phường có nắm bắt được không? Ông Tuấn cho biết: “Thời gian qua phường chỉ kiểm tra công tác PCCC và môi trường của dự án. Hôm nay, qua buổi làm việc với báo chí mới nghe thông tin về chủ đầu tư sử dụng sai công năng ở tầng 3. Sau buổi làm việc hôm nay phường sẽ kiểm tra, nếu sử dụng sai sẽ báo cáo UBND quận cùng các cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý”.
“Đội PCCC cho biết đang yêu cầu chủ đầu tư và ban quản lý tòa nhà xây dựng một báo cáo điều chỉnh so với các hạng mục trước đây đã được phê duyệt PCCC. Ví dụ như trước đây tầng văn phòng chỉ là 1 phòng, bây giờ ngăn ra làm 4 phòng thì hệ thống splier, báo khói, báo cháy…phải có điều chỉnh để được cơ quan PCCC phê duyệt”, ông Tuấn thông tin thêm.
|
|
Chủ đầu tư đã hô biến tầng văn phòng làm việc thành trường mầm non khi chưa được các cơ quan chức năng chấp thuận về việc thay đổi công năng sử dụng |
Theo tìm hiểu tại thông báo số 52/TB – SXD (GĐXD) ngày 20/01/2020 về kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình tòa nhà HDI Tower, sở xây dựng Hà Nội đã yêu cầu chủ đầu tư: Khẩn trương thực hiện các lớp gạch cấu tạo tại tầng mái theo đúng hồ sơ thiết kế được duyệt. Đối với việc hoàn thiện các căn hộ tầng 18,19 và khu thương mại dịch vụ từ tầng 1 đến tầng 5: Yêu cầu chủ đầu tư phải quản lý chặt chẽ, đảm bảo tuân thủ đúng theo công năng thiết kế được duyệt, đảm bảo chất lượng và an toàn, phòng chống cháy nổ; Quản lý, khai thác, vận hành công trình theo đúng công năng, thiết kế được duyệt; Chủ đầu tư và các nhà thầu thi công xây lắp thực hiện công tác bảo hành công trình theo đúng quy định của pháp luật; tổ chức quản lý, sử dụng công trình theo đúng công năng thiết kế và thực hiện công tác bảo trì để đảm bảo chất lượng và tuổi thọ công trình.
Tuy nhiên, một điều bất cập đang hiện hữu là một số tầng thương mại của tòa nhà HDI Tower hiện vẫn đang được thi công ngổn ngang, bề bộn, bụi bặm, ồn ào. Theo thiết kế được phê duyệt thì tại tầng 4 sẽ là tầng kỹ thuật bể bơi và tầng 5 làm bể bơi và sinh hoạt cộng đồng nhưng thực tế thì bể bơi tại tầng 5 bây giờ mới đang được chủ đầu tư xây dựng còn ngổn ngang chưa hoàn thiện, nhà sinh hoạt cộng đồng chỉ là một mặt sàn trống trơn. Kế tiếp tầng 5 được gọi tầng kỹ thuật HH thì chưa hề có bất cứ hệ thống kỹ thuật nào được đặt ở đây. Dây điện tại cầu thang máy tầng kỹ thuật chằng chịt, bảng điều khiển cầu thang lên xuống được đấu nối tạm bợ. Nhiều hạng mục tại đây chưa được hoàn thiện nhưng không hiểu vì sao Sở xây dựng Hà Nội đã chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình của tòa nhà đưa vào hoạt động thì liệu có đảm bảo được chất lượng?.
Theo quy định hiện hành thì tầng kỹ thuật là tầng chứa các hệ thống máy móc vận hành, hệ thống cấp điện, cấp thoát nước của tòa nhà, diện tích sàn còn lại chủ đầu tư bố trí các phòng chức năng phục vụ quản lý kỹ thuật của tòa nhà như: phòng quản lý kỹ thuật điện, nước, kho vật tư điện nước…. và phòng làm việc Ban quản lý dự án.
|
|
Văn bản nghiệm thu nghiệm thu hoàn thành công trình hỗn hợp văn phòng thương mại, dịch vụ và nhà ở” (viết tắt là HDI Tower) của Sở Xây dựng Hà Nội |
Chủ đầu tư Handico 7 đã cho Trường mầm non Maple Bear thuê toàn bộ mặt sàn tầng 3. Sau đó trường này đã ngăn chia thành 9 lớp học, mỗi lớp học khoảng 20 học sinh, học phí và các khoản dịch vụ đi kèm mỗi học sinh trung bình khoảng 10 – 14 triệu đồng/tháng. Bằng một phép tính nhẩm qua loa cũng có thể thấy việc Handico 7 cho trường mầm non Maple Bear thuê sẽ có lợi nhuận lớn hơn nhiều so với việc cho thuê làm văn phòng. Có lẽ chính vì điều này mà chủ đầu tư đã bất chấp các quy định của pháp luật để “tiền trảm hậu tấu”, “vượt rào pháp luật” cho thuê khi chưa được cơ quan chức năng đồng ý cho việc thay đổi công năng sử dụng của tòa nhà.
Trường mầm non là nơi học tập, vui chơi của rất nhiều cháu nhỏ, vì vậy phương án PCCC phải được xây dựng, thẩm duyệt thật kĩ càng bởi nếu không may xảy ra sự cố cháy nổ sẽ gây ra hậu quả vô cùng khôn lường. Việc trường mầm non Maple Bear chưa được các cơ quan chức năng nghiệm thu về PCCC mà đã đón các cháu vào học đang vi phạm nghiêm trọng Luật PCCC.
Việc thay đổi công năng phải được nhà nước cho phép, cụ thể là Sở Xây dựng Hà Nội. Khi thay đổi phải đảm bảo tốt các công năng cũ và đảm bảo không gian ấy đủ điều kiện vận hành trơn tru, an toàn cho tòa nhà. Trường hợp chủ đầu tư thay đổi công năng sử dụng của tòa nhà cũng cần được cấp có thẩm quyền thẩm định và xem xét cân nhắc lợi ích với nhà nước, cộng đồng.
Do đó, các cơ quan chức năng cần thanh kiểm tra và quản lý chặt chẽ đối với hạng mục này tại công trình xây dựng để tránh việc chủ đầu tư tự ý chuyển đổi trục lợi trái phép ảnh hưởng đến công năng, không gian sống, môi trường và chất lượng của tòa nhà.
Với hàng loạt những tồn tại sai phạm về môi trường, Phòng cháy chữa cháy. Đề nghị UBND Tp. Hà Nội, Công an Tp. Hà Nội, Sở Xây dựng, UBND quận Hai Bà Trưng cần nhanh chóng chỉ đạo các sở ngành, phòng ban nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng xây dựng phát triển nhà số 7 Hà Nội tại tòa nhà HDI Tower – 55 Lê Đại Hành về công tác PCCC, môi trường, công năng sử dụng, xả thải…để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.