leftcenterrightdel
Tình trạng sốt đất diễn ra ở nhiều địa phương. 

Nhà đầu tư chịu thiệt

Tại Tọa đàm "Giải mã cơn sốt đất", ông Trần Ngọc Minh cho hay, năm 2021 Hà Nội xây dựng kế hoạch và công bố hàng loạt quy hoạch sẽ triển khai trong giai đoạn 2021-2025. Từ những thông tin như vậy, các nhà đầu tư sẽ tập trung vào các khu vực có định hướng phát triển đô thị.

“Giả sử như việc Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức được công bố chuẩn bị lên Quận và chúng ta bắt đầu đầu tư giai đoạn khởi điểm nên nhiều người đầu tư và trở thành nguyên nhân đẩy giá đất. Trong thời gian vừa qua, việc hoàn chỉnh đồ án quy hoạch mới được phê duyệt. Do vậy, giá đất được đẩy lên cao nhất trong thời gian qua là đất ở nông thôn, đất vườn- ao, đất lâm nghiệp… Có những nơi tăng lên 100%. Đột biến tăng 200%”, ông Minh nói.

Theo ông Minh, người chịu hậu quả của cơn sốt đất chính là nhà đầu tư. “Người Việt Nam mình có tâm lý đám đông nhưng đến một lúc nào đó, hiện tượng bong bóng bất động sản vỡ thì có thể giá đất sẽ tụt xuống hoặc bán không ai mua”, ông Minh nói.

Bên cạnh đó, khi giá đất lên cao cũng ảnh hưởng tới việc đầu tư phát triển kinh tế xã hội. Khi thực hiện giải phóng mặt bằng thì người dân lấy giá giao dịch để đòi hỏi, ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án.

Trong khi đó, Luật sư Trần Thanh Quyết cho rằng hệ lụy của cơn sốt đất rất lớn, nguồn vốn đầu tư bằng vốn nhàn rỗi trên thực tế rất ít trong khi chủ yếu là nguồn vốn đi vay dẫn đến tính trạng nợ xấu, mất thanh khoản của nhà đầu tư khi đầu tư vào một thị trường không minh bạch, dựa trên tin đồn và thiếu cơ sở pháp lý.

Dưới góc độ pháp lý, khi xảy ra các sự kiện pháp lý phát sinh do cơn sốt đất mang lại các tranh chấp đất đai tăng mạnh, nguồn lực của hệ thống tư pháp để giải quyết rất lớn, kéo theo nhiều hệ lụy về pháp lý đối với không chỉ nhà đầu tư mà còn lãng phí nguồn lực của toàn xã hội.

“Việc tạo ra các mặt bằng giá mới không đúng với giá trị thực dẫn đến biến dạng thị trưởng và người mua bán cuối cùng trong cơn sốt đất chịu toàn bộ rủi ro”, Luật sư Quyết nói.

leftcenterrightdel
 Ông Trần Ngọc Minh, Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Sở Xây dựng Hà Nội nói về sốt đất.

Ngăn chặn sốt đất

Theo ông Lê Văn Bình - Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT), nhìn từ góc độ nhà quản lý, cơn sốt đất thường có chu kì, cứ khoảng 10 năm lại có 1 cơn sốt đất và trải qua mỗi lần như vậy lại tạo lập một mặt bằng giá mới, gây khó khăn cho nhà đầu tư khi muốn tiếp cận đất đầu tư. Cơn sốt đất lần này có nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân cộng hưởng. Yếu tố đầu tiên là do quy hoạch.

Ông Trần Ngọc Minh cho hay, nhiều thông tin chỉ ở mức độ rò rỉ thì ngay lập tức, giá đất đã được đẩy lên rất cao. Vì vậy, Sở Xây dựng Hà Nội tập trung xử lý thông tin minh bạch và quản chặt một số đối tượng, nhóm đầu cơ thổi giá đất.

“Chúng ta đang tiến tới điều chỉnh, hoàn thiện quy định về kinh doanh bất động sản, đầu tư phát triển nhà ở… Khi thị trường được minh bạch thì sẽ không tạo ra những cơn sốt đất như hiện nay”, ông Minh chia sẻ.

Theo Luật sư Trần Thanh Quyết cần xem xét bổ sung vào Bộ Luật hình sự hiện hành quy định về hình sự tội “thổi giá đất” và quy định chặt chẽ về điều kiện hành nghề môi giới bất động sản.

Liên quan đến việc quy hoạch, KTS Phạm Thanh Tùng nhận định, quy hoạch rất nhiều bước, rất phức tạp. Lợi ích nhóm thường sẽ xuất hiện ở giai đoạn điều chỉnh quy hoạch. Lúc này, hội đồng quy hoạch phê duyệt ban đầu biến mất và chỉ còn lại hệ thống chính quyền. Doanh nghiệp khi được bật đèn xanh sẽ lập tức nhảy vào vì lợi nhuận vô cùng lớn.

“Để ngăn chặn sốt đất trước hết cần công khai quy hoạch, phải họp báo nghiêm túc để công khai thông tin. Định hướng thông tin rất quan trọng”, KTS Phạm Thanh Tùng cho hay.

Huyền Châu

 

Nguồn Taichinhdoanhnghiep
Link bài gốc

https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/ha-noi-sot-dat-gia-tang-dot-bien-den-200-d20176.html