Cụ thể, ông Chu Ngọc Anh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan 5 vấn đề gồm:

Một là, đề nghị Thủ tướng xem xét, sớm ký ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố để triển khai thực hiện.

Hai là, thành phố đề xuất Chính phủ tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố Hà Nội trên mức 35% để bảo đảm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2022-2025, đồng thời hỗ trợ thành phố thực hiện các dự án giao thông trọng điểm; giải quyết một số khó khăn, vướng mắc khi đầu tư các cầu lớn qua sông Hồng.

leftcenterrightdel
Diện mạo Hà Nội có nhiều thay đổi sau khi hoàn thành thực hiện quy hoạch phân khu Sông Hồng. 

“Thành phố đề nghị Chính phủ quan tâm tháo gỡ vướng mắc về bố trí vay vốn nước ngoài phần điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm của dự án đường sắt đô thị đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Đề nghị Chính phủ thống nhất chủ trương trình Quốc hội phê duyệt đề xuất dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai; phê duyệt chủ trương đầu tư đường sắt đô thị đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc sử dụng vốn đầu tư công và nguồn vốn khác...”, ông Chu Ngọc Anh nói.

Thứ ba, với việc đã phê duyệt 6 phân khu quy hoạch đô thị khu vực nội đô lịch sử, thành phố đề nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh tăng tỷ lệ đất đô thị và nông thôn toàn thành phố lên 40%-60%; cho phép nghiên cứu quy hoạch sân bay dân dụng thứ hai tại địa bàn thành phố để đáp ứng nhu cầu vận chuyển khoảng 100 triệu hành khách/năm…

Chủ tịch Thành phố Hà Nội đề nghị Chính phủ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô hoàn chỉnh mô hình chùm đô thị thành phố đặt trong mối quan hệ Vùng Thủ đô. Đặc biệt, tại đô thị trung tâm hoàn chỉnh phát triển cân đối, hài hòa tương xứng Bắc sông Hồng với Nam sông Hồng, lấy trục không gian xanh sông Hồng làm trung tâm. Nghiên cứu cấu trúc thành phố trong thành phố và thị xã trong thành phố...

Thứ tư, đối với công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, đề xuất Chính phủ cho phép thành phố xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai, thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn.

Thứ năm, Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với thành phố trong công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có buổi làm việc với UBND TP. Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm 2021. 

Đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội mà Hà Nội đạt được trong 3 tháng đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị đại diện các bộ, ngành tập trung thảo luận về 5 nhóm kiến nghị của thành phố Hà Nội.

“Thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước, nếu nhịp đập đều, khỏe thì cả nước sẽ phát triển mạnh mẽ. Vì thế, mọi ý kiến đóng góp cho sự phát triển chung của Hà Nội cần được tập trung trên tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”. Cụ thể, các bộ, ngành cần có trách nhiệm chung trong việc hỗ trợ về cơ chế, chính sách cũng như nguồn lực phù hợp để Thủ đô phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Về vấn đề quy hoạch giao thông, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ đang phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội trong vấn đề quy hoạch Thủ đô tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có quy hoạch cảng hàng không. Về kiến nghị hỗ trợ thành phố Hà Nội thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cơ bản nhất trí và cho biết sẽ bố trí vốn khi dự án được phê duyệt. Đối với kiến nghị về vị trí nhà ga C9 trong tuyến đường sắt đô thị đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ sẽ có quyết định cuối cùng sau khi Thủ tướng họp với các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ vướng mắc liên quan...

Về quy hoạch xây dựng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ Xây dựng ủng hộ về mặt chủ trương điều chỉnh quy hoạch Thủ đô đến năm 2045. Về công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh thông tin: “Hà Nội là địa phương có nhiều chung cư cũ nhất, nên hầu hết các kiến nghị của thành phố được nêu tại Nghị định sửa đổi sắp tới và hy vọng khi ban hành thì việc này sẽ có nhiều chuyển biến tích cực”.

Về kiến nghị tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố Hà Nội trên mức 35%, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, Bộ cơ bản nhất trí với kiến nghị này nhưng cần phải cân đối chung với cả nước theo Luật Ngân sách Nhà nước.

Nhất trí với nhóm 5 kiến nghị của thành phố cũng như các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng kiến nghị thành phố sớm có quy hoạch xây dựng đường Vành đai 4 để kết nối Thủ đô với các địa phương trong khu vực.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã có nhiều cuộc làm việc trực tiếp với Hà Nội. Riêng Thủ tướng cùng các Phó Thủ tướng có 4 cuộc làm việc về kinh tế - xã hội với thành phố Hà Nội; 4 lần dự Hội nghị xúc tiến đầu tư của thành phố; nhiều cuộc thăm và làm việc của Thủ tướng tại cơ sở về rất nhiều lĩnh vực khác nhau.

Nhất trí với ý kiến của các bộ, ngành, Thủ tướng cho rằng, kinh tế - xã hội của Hà Nội giai đoạn 2016-2020 phát triển khá toàn diện. Diện mạo Thủ đô thay đổi nhanh. Môi trường đầu tư được cải thiện và câu nói “Hà Nội không vội được đâu” đã ít được nhắc tới. Trong đó, tăng trưởng kinh tế của Hà Nội quý I-2021 đạt 5,17%, cao hơn mức bình quân cả nước. Đặc biệt, Hà Nội thực hiện khá hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch Covid-19.

“Chúng tôi hoan nghênh phong trào mới vì một Hà Nội đáng sống”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng lưu ý một số tồn tại như đến nay, Hà Nội vẫn chưa trình Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiến độ triển khai một số dự án hạ tầng kỹ thuật thiết yếu còn chậm. Quy hoạch và phát triển các đô thị vệ tinh, phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ chưa đạt tiến độ. Công tác quản lý trật tự xây dựng, đất đai, đô thị, môi trường có lúc, có nơi làm chưa tốt. Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, trung tâm giao lưu quốc tế của cả nước.

Phát biểu tại cuộc làm việc của Thủ tướng với TP Hà Nội, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng tình với kiến nghị của thành phố liên quan đến điều chỉnh quy hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, Hà Nội cần cấu trúc lại, lấy sông Hồng là trục xanh để phát triển cân đối hai bên bờ sông; đưa phía bắc sông Hồng thành đô thị hiện đại, đồng bộ hạ tầng để trở thành động lực phát triển.

"Hà Nội cần phát triển phía bắc sông Hồng thành đô thị hiện đại, tạo ra trung tâm tài chính như Phố Đông của Thượng Hải", Phó thủ tướng nói và đề nghị việc điều chỉnh quy hoạch phải gắn với vùng thủ đô để phát triển đô thị vệ tinh.

Đầu tháng 3/2020, Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thống nhất trình các Bộ, ngành liên quan đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000. Đồ án được nghiên cứu trên không gian đoạn sông Hồng dài khoảng 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, bao phủ diện tích 11.000 ha; thuộc 55 phường, xã và 13 quận, huyện; dân số tính toán theo quy hoạch từ 280.000 đến 320.000.

Lãnh đạo thành phố cho hay, đồ án quy hoạch lần này đạt được kết quả ban đầu tốt, do đã thay đổi cách tiếp cận, lấy phòng, chống lũ và chỉnh trị sông Hồng là mục tiêu hàng đầu. Đồ án định hướng đô thị sông Hồng là trục vành đai xanh, cảnh quan đô thị, nhấn mạnh văn hóa đặc sắc của sông Hồng, tạo không gian hài hòa để phát triển cho cả hai bên dòng sông.

Quang Hưng

 

Nguồn SHTT
Link bài gốc

https://sohuutritue.net.vn/ha-noi-de-nghi-som-thoa-thuan-quy-hoach-phan-khu-song-hong-song-duong-d92454.html