leftcenterrightdel
 Chung cư san sát nhìn từ đường Tố Hữu -Lê Văn Lương. Ảnh: Lê Bảo

Chung cư nối chung cư

Cùng với sự phát triển của các thành phố khác, Hà Nội là một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng.

Những năm qua, Hà Nội chứng kiến hàng loạt khu đô thị mới được hình thành phát triển, các khu đô thị cũ được cải tạo sửa chữa, hạ tầng được nâng cấp cải tạo… tất cả đều với mục đích phục vụ nhu cầu về chỗ ở, hưởng thụ, đời sống xã hội của người dân.

Bên cạnh đó, việc phát triển trên cũng tạo nên bộ mặt của Thủ đô trở nên tươi mới, hiện đại để cùng cả nước phát triển.

Theo thống kê của tổ chức CBRE Việt Nam, trong 10 năm qua (2010 - 2019), thị trường bất động sản đã có những bước chuyển mình và thay đổi đáng kể.

Cụ thể, năm 2010, số lượng căn hộ rơi vào khoảng 73.000 căn, chủ yếu là những căn hộ cũ, nhưng đến hết năm 2019, số lượng căn hộ ghi nhận hơn 300.000 căn, tăng gấp 4 lần con số của năm 2010.

Cũng theo nhận định của đơn vị này, với số lượng căn hộ tăng trưởng lớn như vậy chứng tỏ đây là một xu hướng của thế hệ các gia đình trẻ hiện nay và xu hướng này sẽ còn phát triển trong thời gian tới

Những năm gần đây, hàng loạt khu đô thị mới được hình thành như: Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, khu đô thị Linh Đàm, khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ, khu đô thị Đại Thanh, khu đô thị Dương Nội, khu đô thị An Khánh, khu đô thị Tây Hồ Tây, khu đô thị Mộ Lao, khu đô thị Mỹ Đình hay hàng loạt tòa chung cư mọc lên tại khu vực đường Lê Văn Lương, Lê Văn Thiêm, Vũ Trọng Phụng, xa hơn là khu đô thị Thanh Hà, khu đô thị Kim Chung Di Trạch…

Tổ chức Savills đưa ra dự báo, trong năm 2020, khoảng 39.600 căn hộ từ 28 dự án hiện tại và tương lai sẽ gia nhập thị trường.

Trong số 28 dự án trên, 43% đang được xây dựng và 36% đang làm móng. Các quận, huyện dẫn đầu nguồn cung bao gồm: Từ Liêm với 37%, Gia Lâm với 24% và Hoàng Mai với 23% nguồn cung.

Các dự án chung cư mọc lên, mỗi tòa có từ vài trăm đến ngót 1.000 căn hộ. Đơn cử như Khu đô thị HH Linh Đàm trong diện tích nhỏ nhưng được xây dựng đến 12 tòa, có tòa cao đến 40 tầng, hay dọc đường Lê Văn Lương hàng chục tòa chung cư. Tại đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, đường Hồ Tùng Mậu, đường Tố Hữu, đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Tuân… cũng tương tự.

Tắc đường, thiếu trường, hiếm khu vui chơi

leftcenterrightdel
Mỗi năm hàng chục tòa chung cư mới tiếp tục được xây dựng đè nặng lên hạ tầng. 

Điều dễ nhận ra, khi hàng trăm tòa chung cư mọc lên đã đè nặng lên hạ tầng giao thông, khiến nhiều tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn ứ. Bên cạnh đó, các vấn đề khác như: Thiếu tiện ích, thiếu khu vui chơi giải trí, thậm chí tạo gánh nặng đối với các trường học trên địa bàn khi lượng học sinh/lớp tăng đột biến trong những năm qua.

Trao đổi với PV, anh Nguyễn Nam (trú tại khu đô thị Xa La) cho biết: "Mật độ cư dân đông đúc, lưu lượng phương tiện gia tăng nên đã khiến đường 70 suốt những năm qua luôn trong tình trạng kẹt xe mỗi giờ cao điểm, thậm chí có hôm để di chuyển từ đoạn cầu Tó - cổng chào khu đô thị Xa La mất đến hơn 1 giờ cho quãng đường khoảng 1km.

Mặc dù những năm gần đây, cơ quan chức năng cố gắng cải tạo, mở đường nhưng vẫn không bắt kịp khi lượng dân đông lên trông thấy".

Cũng tương tự như đường 70, tuyến đường Tố Hữu những năm gần đây thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc tại nhiều nút giao. Lý do được cho là có sự xuất hiện của hàng loạt khu đô thị.

Chị Nguyễn Hoài Tư (trú tại khu đô thị La Khê) nói: "Tôi chuyển về đây sinh sống 6 năm nay, nhưng 2-3 năm gần đây hàng loạt tòa chung cư mọc lên khiến các nút giao như: Tố Hữu - Trung Văn, Tố Hữu - Lê Văn Lương, Tố Hữu - Mộ Lao… thường xuyên ùn tắc vào mỗi giờ cao điểm".

Bên cạnh đó, sự gia tăng đột biến cư dân tại một khu đô thị mới cũng đã đè nặng lên cơ sở hạ tầng của ngành giáo dục địa phương. Tại các khu đô thị Nam Trung Yên, Mỹ Đình hay Linh Đàm… đều ghi nhận cảnh các trường học có lượng học sinh đông đúc, thậm chí có trường không thể nhận học sinh đầu cấp vì quá tải.

Việc quá tải trường lớp đã khiến nhà trường phải cho học sinh học luân phiên vào các ngày trong tuần và học bù vào thứ Bảy, Chủ nhật. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng học tập của học sinh mà còn khiến cho cuộc sống của hàng trăm gia đình bị đảo lộn.

Chung cư mọc lên nhiều, nhưng không phải tất cả chủ đầu tư đều thực hiện đúng cam kết, quy định của pháp luật đối với cư dân, chủ sở hữu căn hộ, dẫn đến tình trạng phá vỡ quy hoạch, xây dựng trái phép, sai phép, vượt tầng, không đảm bảo quyền và lợi ích đối với người mua nhà vẫn diễn ra.

Chính vì vậy, tại hàng trăm chung cư đã xảy ra tranh chấp giữa cư dân với chủ đầu tư. Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư cũng "quên" xây dựng các tiện ích, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, dịch vụ như cam kết khiến cư dân không khỏi bức xúc.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm (nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam) cho biết, Hà Nội đã có 7 lần quy hoạch từ năm 2004 đến nay. Trong tất cả những lần quy hoạch đều đặt ra đảm bảo hài hòa việc phân bố dân cư, phân bố không gian và quy hoạch giao thông.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nói: "Bình thường một đô thị phải có 20 – 25% diện tích đất tự nhiên dành cho giao thông, nhưng Hà Nội mới đạt dưới 10%. Nên việc phát triển giao thông là nhu cầu rất lớn, đòi hỏi nguồn lực rất lớn”.

 

 

Theo Giadinhvaxahoi
Nguồn
Link bài gốc