LHG, SZC lãi đột biến nhờ giá cho thuê bất động sản tăng cao

Theo thống kê từ báo cáo tài chính (BCTC) tại một số doanh nghiệp bất động sản công nghiệp, giá cho thuê bất động sản công nghiệp tăng cao đã giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực này báo lãi lớn trong quý 2/2021 và 6 tháng đầu năm 2021.

Đơn cử, CTCP Long Hậu (HOSE: LHG) vừa công bố BCTC quý với kết quả khả quan. Riêng quý 2/2021, doanh thu thuần của LHG đạt gần 556 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ. Doanh thu tăng chủ yếu do cho thuế đất đã phát triển cơ sở hạ tầng và xưởng xây sẵn theo yêu cầu chiếm gần 494 tỷ đồng. LHG lãi sau thuế gần 218 tỷ đồng, gấp 4,6 lần so với quý 2/2020. Đây là quý ghi nhận lợi nhuận lớn nhất từ trước đến nay của chủ KCN Long Hậu.

Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của LHG đạt gần 666 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ. Nhờ đó, Công ty lãi ròng hơn 250 tỷ đồng trong nửa đầu năm, gấp 2,2 lần cùng kỳ 2020. Như vậy, Công ty đã thực hiện được 72% kế hoạch doanh thu và vượt hoàn thành vượt 55% kế hoạch lợi nhuận năm.

Doanh nghiệp bất động sản công nghiệp đang kinh doanh không xứng với kỳ vọng? - Ảnh 1

Nối gót LHG, CTCP Sonadezi Châu Đức (HOSE: SZC) báo doanh thu thuần quý 2 của SZC tăng 63% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 224 tỷ đồng. Trong đó doanh thu cho thuê đất và phí quản lý là gần 222 tỷ đồng. Lãi sau thuế tại SZCquý 2/2021 tăng 71% so cùng kỳ, đạt hơn 111 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của SZC đạt gần 403 tỷ đồng, tăng 66% so cùng kỳ. Lãi sau thuế nửa đầu năm 2021 đạt gần 193 tỷ đồng, tăng 73% so cùng kỳ. 

Nguồn: BCTC quý 2/2021 tại SZC.
Nguồn: BCTC quý 2/2021 tại SZC.

Với Sonadezi Long Thành (SZL), quý này doanh thu thuần đạt 111 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ 2020. Doanh thu phần lớn đến từ hoạt động cho thuê nhà xưởng tại khu công nghiệp (KCN) Long Thành với hơn 35 tỷ đồng. Phần doanh thu còn lại đến từ cho thuê đất (17 tỷ đồng); kinh doanh nước (21 tỷ đồng); kinh doanh xử lý nước thải (15 tỷ đồng); kinh doanh nhà, đất (10 tỷ đồng); kinh doanh trạm xăng dầu (10 tỷ đồng) và doanh thu từ KCN Châu Đức (2 tỷ đồng).

Sau khi khấu trừ các khoản chi phí, SZL lãi sau thuế quý 2/2021 tăng nhẹ 3% đạt hơn 27 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần tăng 16% đạt hơn 204 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 48 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận tại D2D, TIP, Nam Tân Uyên giảm sâu

Ở chiều ngược lại, vẫn có doanh nghiệp BĐS khu công nghiệp kinh doanh tụt lùi so với thời điểm năm ngoái.

Đầu tiên phải nhắc tới CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (HOSE: D2D) báo lãi sau thuế quý 2 giảm 39% so cùng kỳ, đạt hơn 62 tỷ đông dù doanh thu thuần tăng 60% đạt hơn 109 tỷ đồng. Tăng trưởng doanh thu chủ yếu đến từ doanh thu của Dự án Khu Dân cư Lộc An, trong khi doanh thu cho thuê hạ tầng Khu công nghiệp sụt giảm đáng kể.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của D2D đạt gần 197 tỷ đồng, tăng 32% so cùng kỳ, với động lực chính đến từ Dự án Khu Dân cư Lộc An. Tuy nhiên, vì lãi tiền gửi giảm mạnh, lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm của D2D giảm 28% so cùng kỳ, còn gần 109 tỷ đồng. Với kết quả này, D2D thực hiện được hơn 40% mục tiêu lợi nhuận 2021, theo kế hoạch được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên.

Nguồn: BCTC quý 2/2021 tại D2D.
Nguồn: BCTC quý 2/2021 tại D2D.

Tương tự, một đơn vị phát triển BĐS khu công nghiệp khác là CTCP Phát triển Khu Công nghiệp Tín Nghĩa (HOSE: TIP) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh kém lạc quan.

Cụ thể, riêng quý 2/2021, doanh thu thuần của TIP chỉ đạt gần 59 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do doanh thu chuyển nhượng đất từ Công ty Tín Khải - công ty con của TIP giảm 50%, đồng thời Khu dân cư 18 trong kỳ cũng không phát sinh doanh thu chuyển nhượng nền đất. Lợi nhuận sau thuế tại TIP giảm 36%, xuống còn hơn 19 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của TIP đạt gần 156 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ. Theo đó, lãi sau thuế nửa đầu năm 2021 của TIP cũng tăng 21%, lên hơn 60 tỷ đồng.

Cùng hoàn cảnh, CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (Mã: NTC) ghi nhận doanh thu thuần quý 2/2021 đạt 59 tỷ đồng, tăng gần 18% và lợi nhuận sau thuế gần 51 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong cơ cấu doanh thu của Nam Tân Uyên, hoạt động kinh doanh bất động sản đầu tư chiếm hơn 43 tỷ đồng, doanh thu cung cấp dịch vụ gần 16 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận lần lượt 40 tỷ đồng và gần 10 tỷ đồng.

Lũy kế nửa đầu năm, doanh thu Nam Tân Uyên đạt 123 tỷ đồng và lãi sau thuế 163,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 38% và 16% so với năm ngoái. Công ty mới thực hiện được 17% mục tiêu doanh thu nhưng đã thực hiện được hơn 72% mục tiêu lợi nhuận (đóng góp phần lớn là doanh thu hoạt động tài chính).

Nguồn: BCTC quý 2/2021 tại NTC.
Nguồn: BCTC quý 2/2021 tại NTC.

Mới đây, CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) cũng công bố kết quả kinh doanh trong quý 2/2021 với doanh thu hơn 451 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng cao cùng với chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp, bán hàng tăng dẫn đến lợi nhuận sau thuế còn 81 tỷ đồng, giảm 76% so với quý 2/2020.

Tính chung 6 tháng đầu năm, PHR ghi nhận doanh thu thuần đạt 731 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ 2020 và lợi nhuận sau thuế giảm 69% xuống còn gần 170 tỷ đồng.

Nguồn: BCTC quý 2/2021 tại PHR.
Nguồn: BCTC quý 2/2021 tại PHR.

Một doanh nghiệp hiếm hoi báo lỗ trong quý 2/2021 này là CTCP Khu công nghiệp Hiệp Phước (HIPC, Mã: HPI). Cụ thể, HPI ghi nhận hơn 20 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm lần lượt 75% và 81% so với cùng kỳ 2020.

Doanh nghiệp cho biết, lãi sau thuế quý 2/2021 giảm mạnh là do doanh thu hoạt động cho thuê lại đất giảm 96% do công ty không có nhiều hợp đồng cho thuê lại đất đạt mức 95% so với cùng kỳ năm 2020.

Lũy kế 6 tháng, HPI gần 125 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 13 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Trong khi cùng kỳ đạt lần lượt hơn 158 tỷ đồng và hơn 3 tỷ đồng.

Doanh nghiệp bất động sản công nghiệp đang kinh doanh không xứng với kỳ vọng? - Ảnh 2

Được đánh giá là ngành hưởng lợi nhất nhờ xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam do xung đột thương mại với Hoa Kỳ và chiến lược của các nhà sản xuất nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất song phần lớn các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp đã có một năm kinh doanh không xứng với kỳ vọng.

Báo cáo mới đây của Colliers Việt Nam cho biết kể từ năm ngoái, quá trình chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc cũng như một loạt các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) được ký kết đã làm tăng nhu cầu về đất công nghiệp tại Việt Nam. Nhiều KCN mới đã được quy hoạch hoặc xây dựng nhằm nhanh chóng đáp ứng nhu cầu này.

Tuy nhiên, đến quý II/2021, nguồn cung KCN tại các thị trường lớn bị gián đoạn do tác động của dịch COVID-19, đặc biệt khi Bắc Ninh và Bắc Giang ghi nhận nhiều ca nhiễm mới tại các KCN.

 

Hà Phương (t/h)

 

 


Nguồn SHTT/Vnfinance
Link bài gốc

https://sohuutritue.net.vn/doanh-nghiep-bat-dong-san-cong-nghiep-dang-kinh-doanh-khong-xung-voi-ky-vong-d105693.html