Về câu chuyện nên đầu tư vào đâu trong bối cảnh thị trường hiện nay, tại Toạ đàm “Toàn cảnh BĐS 2021: Nhận diện xung lực mới” vừa diễn ra tại FLC Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Mạnh Hà Chủ tịch Think Big và Lộc Sơn Hà nhận định, trong thời gian này nên đầu tư vào các khu vực như Quảng Bình, Quảng Ninh… các thị trường mới có sự xuất hiện của những Tập đoàn lớn như FLC.
BĐS là kênh đầu tư hấp dẫn nhất
Theo TS. Nguyễn Đức Hưởng - Cựu Chủ tịch LienVietPostBank, trong năm 2020, Việt Nam đã làm được hai điều rất khó là kiểm soát được dịch Covid-19 và tăng trưởng kinh tế, hàng loạt cơ chế về bất động sản đã được giải quyết và tháo gỡ vướng mắc.
Ông Hưởng nhận định, chứng khoản sẽ giảm trong năm 2021, dù vẫn đang tăng trong giai đoạn hiện tại. Nguyên nhân là do các hoạt động giãn nợ vay vốn ngân hàng trong năm 2020 sẽ bắt đầu ảnh hưởng sau một năm. Trong cuộc đua bất động sản và chứng khoán, bất động sản sẽ thắng. Sau quý 1/2021, chứng khoán sẽ giảm và bất động sản sẽ tăng nhanh.
Các phân khúc như BĐS vùng ven các TP lớn như Hà Nội, TPHCM sẽ bật dậy mạnh mẽ sau một thời gian dài trầm lắng, phân khúc nhà ở vừa túi tiền, nhà ở bình dân cũng tăng giá nhanh. Đặc biệt, BĐS du lịch sẽ bật lên mạnh mẽ trong năm 2021 sau khi Covid-19 được kiểm soát. Đồng thời, BĐS công nghiệp vẫn là mảng sáng của thị trường.
“Bằng kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng giai đoạn này là giai đoạn tốt nhất cho vay mua nhà mua đất, ai vay được nên vay vì giá cho vay mua nhà đất đang thấp chưa từng thấy. Với những điều kiện thuận lợi này, năm 2021 là năm thiên thời địa lợi nhân hòa, chắc chắn sinh ra hào kiệt bất động sản”, ông Hưởng nói.
Về các xung lực mới của thị trường bất động sản, theo ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Tài chính – Ngân hàng, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, năm năm 2021 có 6 xung lực rất mới.
Thứ nhất, thị trường bất động sản đã và đang điều chỉnh rất nhanh và nhạy bén trong thời gian vừa qua. Về kinh tế vĩ mô, năm 2021 dự báo tăng trưởng kinh tế 6,5-7%. Đến 2030 dự báo tăng trưởng kinh tế bình quân của Việt Nam trong 10 năm tới ở mức 7%. Việt Nam là một trong những nước có tăng trưởng cao, kéo theo thu nhập bình quân đầu người cũng tăng ở mức 6,5%. Đây là một xung lực lớn cho thị trường bất động sản.
Thứ 2 là xung lực pháp lý, các văn bản pháp luật đã được tinh giản và sửa đổi đáng kể. Trong đó nổi bật là Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán, cho phép huy động vốn qua việc thành lập quỹ. Năm 2021, xung lực từ việc sửa đổi các văn bản này chắc chắn sẽ tác động tốt đến việc huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản, Luật Đầu tư, Luật PPP cũng được sửa đổi.
|
|
Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Tài chính – Ngân hàng, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia. |
Thứ 3 là xung lực từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất. Nhà đầu tư nước ngoài coi Việt Nam là 1 địa điểm hấp dẫn.
Thứ 4 là giải ngân vốn đầu tư công. Khi kinh tế suy thoái thì đầu tư công là một kênh tạo ra hệ số lan toả cực kỳ lớn, Năm 2020, việc quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công đã đóng góp khoảng 6,5% tương ứng 0,02 điểm% trong mức 2,91% tăng trưởng năm 2020.
Thứ 5 là xung lực từ chuyển đổi số cực kỳ nhanh và hiệu quả. Trong số các doanh nghiệp bất động sản ngoài việc đầu tư chuyển đổi số để bán hàng, marketing, việc áp dụng công nghệ số cũng là một kênh tốt để huy động vốn.
Cuối cùng là xung lực từ lãi suất. Hiện lãi suất cho vay đang thấp nhất trong vòng 15 năm, ở mức 8-10% tuỳ vào thời hạn. Đối với giai đoạn năm 2011-2012, lãi suất cao gấp đôi so với bây giờ. Đây là thời điểm thuận lợi để cá nhân, hộ gia đình mua nhà cửa, kể cả đi vay.
Nên đầu tư vào đâu?
Còn câu chuyện nên đầu tư vào đâu, theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Think Big và Lộc Sơn Hà, trước hết cần phải nắm được nguyện vọng của nhà đầu tư, các nhà đầu tư cần gì? Theo ông Hà, với 1 nhà đầu tư, an toàn về mặt pháp lý là điều họ rất cần. Thực tế thị trường cho thấy các sản phẩm an toàn về pháp lý hoặc đất nền có thanh khoản rất tốt.
Với các dự án mà nhà đầu tư 1-2 năm chưa được cấp Chứng nhận quyền sử dụng đất thì nhà đầu tư sẽ kém mặn mà. Nhưng trong thời gian tới khi pháp lý hoàn thiện các dự án này sẽ cực kỳ “hot”.
Ông Hà chia sẻ, trong thời gian này nên đầu tư vào các khu vực như Quảng Bình, Quảng Ninh… các thị trường mới có sự xuất hiện của những Tập đoàn lớn như FLC. “Thị trường tiếp theo sẽ không phải là những thị trường đã nổi rồi, sắp tới là Quảng Bình, như câu chuyện Quy Nhơn tăng gấp nhiều lần sau khi được đầu tư. Nếu cứ đợi hạ tầng thì sẽ bỏ lỡ, và nếu có hạ tầng tốt thì giá không thể giảm được. Đây là một thời cơ vàng để đầu tư bất động sản” ông Hà phân tích.
Xoay quanh câu chuyện đầu tư khu vực gần các dự án lớn, ông Nguyễn Đức Hưởng cũng cho biết, ở Pleiku, có lô đất tôi từng hỏi nhưng cách đây 1 tuần tôi gọi vào thì có người đã lấy hết rồi. Có thể nói Tây Nguyên là khu vực mới để đầu tư, đó có thể là lựa chọn đầu tư phù hợp. Hiện tại các tỉnh, giá đất trung tâm Hà Nội, TP.HCM đang lên rất mạnh. FLC khởi công đâu, đất vùng ven của khu vực đó tăng rất nhanh thì cứ đến đó mà mua.
|
|
Ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC |
Cùng quan điểm, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC cũng nhấn mạnh, giai đoạn xấu nhất của thị trường bất động sản đã qua đi và tình hình trong năm 2021 chắc chắn sẽ rực rỡ hơn so với năm 2020.
Theo ông Quyết, thị trường có dấu hiệu khởi sắc từ khoảng giữa năm 2020, sau đợt dịch COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam. "Từ tháng 7 âm lịch đến hết tháng 12, thị trường bất động sản Việt Nam phát triển rực rỡ không tưởng", Chủ tịch Tập đoàn FLC nhận định.
Lấy ví dụ về dự án của FLC tại Hạ Long, ông nói, sau tháng Ngâu, tất cả các căn xấu nhất trong 2.500 căn shophouse không chỉ bán hết mà còn tăng giá gấp rưỡi. Trong khi ở thị trường Thanh Hoá, Quy Nhơn phải 4-5 năm mới bán hết. Hàng tồn kho được thanh khoản hết. Theo ông, tâm lý chung của nhà nhà đầu tư nhìn nhận thời kỳ xấu nhất đã qua rồi.
Hay tại dự án FLC Tropical City Hà Khánh, chung cư, shophouse liền kề tại Hạ Long, từ lúc người dân trả lại vì sau Covid-19 chưa thấy FLC khởi động gì, nhà đầu tư đòi trả lại hợp đồng, tuy nhiên chỉ sau hơn 2 tháng, từ chỗ đòi thanh toán, thì đến mức cả căn xấu nhất cũng đã kín khách, thậm chí tăng giá gấp rưỡi và gấp đôi.
Có những lô liền kề lên đến 58 triệu/m2 và tăng ngay trong tháng 9 và tháng 10, chuyện đó có thể nói là không tưởng. Nhiều dự án khác như tại Sầm Sơn hay Quy Nhơn hàng tồn kho đến giờ cũng đã đi hết. Nhưng tại nhiều nơi như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh lại không có nguồn cung, hàng hóa tại những nơi này, nhất là các khu trung tâm, tạo ra hiện tượng sốt giá nhưng cục bộ tại một số khu vực”.
Chính vì vậy, ông Quyết cho rằng, nhà đầu tư nếu có nguồn lực dồi dào, trong 1- 2 năm tới có thể đầu tư vào khu vực ven nhất là các khu vực có dự án sắp vận hành. "Những khu vực ven dự án lớn đều có khả năng tăng giá", ông nói.