Lòng vòng cho - tặng, chuyển nhượng

Sau khi có đơn xin phép của các hộ dân khu hồ Đá Dựng về việc làm đường nối đất liền với đảo tròn, ông Nguyễn Kim Loan, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất ký văn bản số 680/UBND–QLĐT về việc chấp thuận cho phép cải tạo, nâng cấp đường dân sinh vào các hộ dân (khu hồ Đá Dựng) thôn 6 xã Tiến Xuân.

Câu hỏi đặt ra, các hộ dân khu hồ Đá Dựng là những ai?
leftcenterrightdel
 Nhiều công trình xây dựng ngổn ngang trên hồ Đá Dựng. Ảnh Đức Mạnh

Theo tài liệu mà UBND xã Tiến Xuân cung cấp, khu vực đảo tròn hiện đã được cấp 7 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) (từ thửa đất số 89 đến thửa đất 95 thuộc tờ bản đồ số 61) do ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ký. Cả 7 sổ đỏ đều thể hiện người sử dụng đất là bà Phạm Thu Hà (sinh năm 1995, địa chỉ thường trú tổ 21, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Tài liệu của UBND xã Tiến Xuân cung cấp cũng thể hiện quá trình biến động đất như sau:

Năm 2018, toàn bộ 7 mảnh đất nêu trên được chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Phương (sinh năm 1963) và ông Phạm Doãn Toản (sinh năm 1961, cùng trú tại tổ 21, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Đến năm 2020, bà Phương và ông Toản chuyển nhượng 7 mảnh đất cho con gái là bà Phạm Thu Hà.

Từ đây, 7 thửa đất được chuyển nhượng cho các chủ sở hữu khác nhau.

Ngày 13.1.2021, bà Phạm Thu Hà tặng lại cho bà Nguyễn Thị Phương thửa đất số 91. Thửa đất này có diện tích 684,4 m2; trong đó 400 m2 là đất ở, 284,4 m2 là đất trồng cây lâu năm. Bà Hà còn tặng lại cho bà Phương thửa đất số 93 (diện tích 650 m2, trong đó đất ở là 200 m2, đất trồng cây lâu năm là 450 m2).

Trước đó vào ngày 24.7.2020, bà Phạm Thu Hà chuyển nhượng cho ông Nguyễn Quốc Chính (sinh năm 1963, trú tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội) thửa đất số 89 có diện tích 500 m2. Trong đó, có 400 m2 đất ở, 100 m2 đất trồng cây lâu năm.

Gần 1 tuần sau, ngày 30.7.2020, bà Phạm Thu Hà chuyển nhượng 4 mảnh đất còn lại cho nhiều chủ sở hữu khác nhau. Cụ thể:

Thửa đất số 90 (rộng 500 m2, trong đó đất ở là 400 m2, đất trồng cây lâu năm là 100 m2) được chuyển nhượng cho ông Đỗ Xuân Hân (sinh năm 1979, thường trú tại xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) và bà Nguyễn Kim Ngân (sinh năm 1980, thường trú tại phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Thửa đất số 92 được chuyển nhượng cho ông Nguyễn Văn Bảo (sinh năm 1952) và bà Thạch Thị Hằng (sinh năm 1956, cùng thường trú tại phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội). Thửa đất số 92 được ông Bảo và bà Hằng đứng tên, có diện tích 408,3m đất ở tại nông thôn.

Thửa đất số 94 được chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Tuyên (sinh năm 1959, thường trú tại phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội). Thửa đất này rộng 503,6 m2, trong đó có 400 m2 đất ở, 103,6 m2 đất trồng cây lâu năm.

Thửa đất số 95 được chuyển nhượng cho ông Nguyễn Trung Hiếu (sinh năm 1982) và bà Phạm Thị Hoa (sinh năm 1982, cùng thường trú xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Thửa đất số 95 có diện tích 500,5 m2 đất ở 400 m2, đất trồng cây lâu năm là 100,5m2.

Cần làm rõ tính pháp lý của các sổ đỏ

Hiện nay khu đất đảo tròn trên hồ Đá Dựng đã được chia cho 6 chủ sở hữu khác nhau, trong đó các thửa đất đều có đất ở.

Tuy nhiên, như đã thông tin từ bài báo trước, ông Đinh Văn Dương - Người có uy tín tại thôn 6 kể lại: khu đất đảo tròn vốn thuộc sở hữu của gia đình ông. Sau đó, gia đình có chuyển cho người chú tên Đinh Văn Chức. Khu đất này vốn là rừng trồng bằng nguồn vốn tài trợ của Chương trình lương thực thế giới (PAM).
leftcenterrightdel
 Theo phản ánh của người dân, đất đảo tròn vốn là đát rừng trồng. Ảnh Đức Mạnh

Trao đổi về quy định của pháp luật liên quan đến đất rừng trồng, luật sư Nguyễn Thu Trang (Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long) cho biết, rừng trồng bằng nguồn vốn tài trợ của chương trình lương thực thế giới (PAM) có quy định cụ thể về chính sách quản lý và sử dụng tại Quyết định số 145/1998/QĐ-TTg của Chính phủ.

Cụ thể, khoản 1 Điều 5 Quyết định 145/1998/QĐ-TTg của Chính phủ quy định nghĩa vụ của chủ rừng khi khai thác rừng PAM như sau: Trồng lại rừng hoặc xúc tiến tái sinh để tái tạo rừng, bảo đảm cho rừng phát triển bền vững để giữ gìn ổn định môi trường sinh thái. Trong vòng một năm sau khi khai thác, nếu chủ rừng không có biện pháp để tái tạo rừng thì Hạt kiểm lâm hoặc UBND xã đề nghị UBND huyện thu hồi lại đất và tiền hỗ trợ đầu tư của chương trình PAM cho chủ rừng để giao cho người khác sử dụng và gây trồng lại rừng.
leftcenterrightdel
Đất đảo tròn, hồ Đá Dựng đã được phân làm nhiều lô. Ảnh Xuyên Đông

Như vậy, có thể thấy việc cấp sổ đỏ tại khu vực đảo tròn hồ Đá Dựng có nhiều vấn đề đang cần được làm rõ.

Phóng viên Báo Lao Động cũng đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo UBND huyện Thạch Thất đề nghị cung cấp thông tin vấn đề này nhưng đến thời điểm hiện tại chưa nhận được câu trả lời.

Ngày 1.12.2022, UBND huyện Thạch Thất đã ban hành Quyết định số 9242/QĐ–UBND thành lập Đoàn thanh tra trách nhiệm đối với UBND các xã: Tiến Xuân, Yên Bình, Thạch Hoà, Bình Yên, Tân Xã trong việc kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lí vi phạm đất đai, trật tự xây dựng, môi trường, khoáng sản (từ ngày 1.1.2017 đến ngày 30.11.2022). Theo quyết định này, Đoàn thanh tra liên ngành gồm 17 thành viên, trong đó, ông Nguyễn Kim Loan, Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng đoàn.
Nhóm PV
Nguồn Báo Lao động
Link bài gốc

https://amp.laodong.vn/bat-dong-san/dau-hieu-xam-lan-ho-da-dung-chu-dat-la-nhung-ai-1136766.ldo?fbclid=IwAR1O_TBLp0EpVlQDaleGIJrCltlirmgE1E_1kQlqoWz_PN36bqIyRQlkbzY