Thế chấp loạt dự án lãi suất cao
Công ty cổ phần đầu tư Nam Long là đơn vị giàu truyền thống trong lĩnh vực bất động sản. Tiền thân của Nam Long là Công ty TNHH Nam Long được thành lập năm 1992. Sau nhiều lần tăng vốn, hiện tại, vốn điều lệ của Nam Long lên đến 2.853 tỷ đồng và trở thành một trong những thế lực đáng gờm của bất động sản TP.HCM.
Thế nhưng, Nam Long lại đang khiến nhà đầu tư ngạc nhiên khi rơi vào nghịch lý: phải thế chấp nhiều dự án với lãi suất khá cao nhưng lại “ôm” trăm tỷ đồng cho vay “giá rẻ”.
Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2020, nợ phải trả của Nam Long nhỉnh hơn vốn chủ sở hữu một chút khi hai chỉ tiêu này lần lượt đạt 6.922 tỷ đồng và 6.720 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay lên đến 2.457 tỷ đồng.
Để có thể vay vốn được, Nam Long đã phải thế chấp nhiều quyền sử dụng đất tại các dự án lớn nhất của mình như dự án Hoàng Nam (Akira), dự án Vàm Cỏ Đông (Waterpoint), dự án Areco (Flora Noiva), dự án Long An 36ha.
Lãi suất vay dao động từ 4,5% đến 10,2%. Nhưng phổ biến nhất vẫn là trên 8%/năm. Trong đó, những khoản vay lớn nhất như khoản vay trị giá gần 529 tỷ đồng và 200 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) có lãi suất 8,2%, và 10,2%.
Có thể thấy, đa số các khoản vay của Nam Long tại các ngân hàng và phát hành trái phiếu đều có lãi suất tương đối cao.
“Ôm” tiền cho vay “giá rẻ”
Thế nhưng, bất chấp điều đó, Nam Long vẫn ôm hàng trăm tỷ đồng đi cho cá nhân vay với lãi suất thấp hơn khá nhiều, chỉ 6%/năm.
Tại thời điểm cuối năm, Nam Long có khoản phải thu ngắn hạn với ông Nguyễn Thành Đồng lên đến hơn 24,2 tỷ đồng. Hai khoản vay này đáo hạn vào ngày 24/4/2021.
Cũng trong ngày 24/4/2021, bà Vũ Bích Lan phải thanh toán 2 khoản vay tổng trị giá hơn 49,8 tỷ đồng cho Nam Long. Ông Trần Thanh Phong và ông Cao Tấn Thạch nợ Nam Long 39,2 tỷ đồng và 32,5 tỷ đồng.
Tất cả các khoản phải thu tổng trị giá 145,5 tỷ đồng này có lãi suất chỉ 6%/năm.
Điều đáng nói, Nam Long cho cá nhân vay tiền trong bối cảnh năm 2020, công ty phải đẩy mạnh vay cả ngắn hạn và dài hạn. Vay ngắn hạn tăng 868,7 tỷ đồng, tương đương 1.372% lên 932 tỷ đồng. Vay dài hạn tăng 719 tỷ đồng, tương đương 89,2% lên 1.525 tỷ đồng.
Thoát cảnh lao dốc
Trong năm 2020, Nam Long giảm nhẹ các chỉ tiêu kinh doanh. Trong đó, lợi nhuận sau thuế giảm 157 tỷ đồng, tương đương 15,6% so với năm 2019. Đà giảm này tương đối nhẹ và có thể hiểu được trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, thực tế, tình hình của Nam Long “xấu” hơn rất nhiều. Nam Long chỉ giảm nhẹ khi công ty thu được hàng trăm tỷ đồng nhờ thanh lý các khoản đầu tư.
Cụ thể, doanh thu hoạt động tài chính của Nam Long tăng vọt từ 97 tỷ đồng lên 726 tỷ đồng. Trong đó, lãi từ thanh lý các khoản đầu tư lên đến 636 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 6,9 tỷ đồng của năm 2019.
Nam Long không thuyết minh rõ các khoản đầu tư thanh lý là gì nhưng trước đó, lãnh đạo Nam Long cho biết tại dự án Water Front (Đồng Nai), Hội đồng quản trị đã lên kế hoạch bán 35% vốn cổ phần cho đối tác Nhật Bản là Hankyu Hanshin. Cùng với đó, lãnh đạo Nam Long có ý định bán 50% cổ phần tại ParaGon Đại Phước cho đối tác, dự kiến ghi nhận lợi nhuận ngay trong quý cuối năm 2020.
Nội bộ ồ ạt bán cổ phiếu
Từ đầu tháng 8/2020, cổ phiếu NLG của Nam Long đã tăng tương đối mạnh. Tới giữa tháng 2/2021, NLG đạt đỉnh. Sau hơn nửa năm, NLG đã tăng khoảng 14.000 đồng/cổ phiếu, tương đương 61%. Chứng kiến NLG đạt “đỉnh”, nội bộ Nam Long đã thực hiện… nhiều đợt bán ra.
Cuối tháng 2, Nam Long công bố đưa 10 triệu cổ phiếu quỹ ra bán để tài trợ vốn lưu động và mở rộng quỹ đất. Đây là toàn bộ số cổ phiếu quỹ hiện Nam Long đang sở hữu. Nếu thương vụ thành công, Nam Long sẽ thu về hơn 300 tỷ đồng.
|
|
phải thế chấp nhiều dự án với lãi suất khá cao nhưng lại “ôm” trăm tỷ đồng cho vay “giá rẻ”. Ảnh minh họa. |
Trước đó, bà Ngô Thị Ngọc Liễu, mẹ ông Cao Tấn Thạch, thành viên HĐQT đã bán 522.600 cổ phiếu NLG. Thương vụ này có thể mang về cho bà Liễu khoảng 17 tỷ đồng. Trước đó, bà Liễu đã bán 617.700 cổ phiếu NLG.
Ông Chu Chee Kwang, nguyên Tổng giám đốc Nam Long bán 1 triệu cổ phiếu. Ông Chu Chee Kwang có thể thu về 36 tỷ đồng.
Anh trai ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT bán ra 5.000 cổ phiếu NLG. Bản thân ông Nguyễn Xuân Quang đã bán 2.000.000 cổ phiếu.
Công ty TNHH MTV Đầu tư - Xây dựng - Phát triển Nam Khang bán ra hơn 11,3 triệu cổ phiếu NLG. Ông Nguyễn Lưu Tuyền - Thành viên Tiểu ban Kiểm toán đã bán 22.500 cổ phiếu. Mẹ ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó TGĐ đã bán 44.920 cp. Ông Châu Quang Phúc - GĐ Tài chính đã bán 200.000 cổ phiếu. Ông Phạm Đình Huy - Giám đốc Đầu tư đã bán 54.700 cổ phiếu. Công ty TNHH Đầu tư Tân Hiệp đã bán 1.500.000 cổ phiếu.
Có thể thấy, đầu năm 2021, Nam Long chứng kiến những lãnh đạo cấp cao nhất tại Nam Long ồ ạt bán ra cổ phiếu NLG.
Hà Anh