Tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp (trừ trường hợp quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 7 Điều này) với trường hợp cấp phép sửa chữa, cải tạo như sau:
- Phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị.
- Phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác không thuộc trường hợp nhà ở riêng lẻ tại đô thị hoặc công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.
- Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng (mức phạt này áp dụng đối với tổ chức).
Ngoài ra, tại khoản 8 Điều 15 Nghị định này còn quy định mức xử phạt đối với hành vi đã bị lập biên bản vi phạm hành chính mà vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm như sau:
- Phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác không thuộc trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị, công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng hoặc xây dựng công trình thuộc trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP.
- Phạt tiền từ 35 - 40 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị nhưng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP.
- Phạt tiền từ 300 - 350 triệu đồng đối với xây dựng công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng hoặc xây dựng công trình thuộc trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP (mức phạt này áp dụng đối với tổ chức).
Lưu ý: Các hành vi vi phạm theo quy định tại khoản 7 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP bị phạt tiền từ 50 - 60 triệu đồng, gồm:
- Xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt.
- Xây dựng công trình vi phạm chỉ giới xây dựng.
- Xây dựng công trình sai cốt xây dựng.
- Xây dựng công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giao thông (trừ trường hợp quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt), thủy lợi, đê điều, năng lượng, khu di tích lịch sử - văn hóa và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật; xây dựng công trình ở khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống (trừ trường hợp xây dựng công trình để khắc phục những hiện tượng này).
- Xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác hoặc của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung.
Mặc dù thời gian qua, các Bộ, ngành và các địa phương đã rất tích cực trong việc ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm trật tự xây dựng nhưng thực tế số lượng công trình vi phạm vẫn ở mức cao, diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, đơn cử như địa bàn TP Hà Nội.
Theo Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng, thời gian gần đây, vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn TP vẫn diễn biến phức tạp, không chỉ các hộ gia đình vi phạm trên đất nông, lâm nghiệp mà ở những dự án lớn của doanh nghiệp cũng thường xảy ra tình trạng trên.
Trong năm 2020, lực lượng thanh tra đã thiết lập hồ sơ đối với 628 trường hợp vi phạm trên đất nông, lâm nghiệp. Trong đó đã xử lý xong 520 trường hợp, số còn lại đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền.
Theo Thanh tra Sở Xây dựng, việc xử lý những công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, một phần do quy định còn bất cập. Đơn cử, tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP đã thống nhất về hành vi vi phạm, quy trình xử lý tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị.
Để khắc phục những hạn chế trên, Sở Xây dựng đã tham mưu cho TP Hà Nội kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 139/2017/NĐ-CP. Cùng với đó, chủ trì xây dựng dự thảo Nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết số 07/2014/NQ-HĐND, mức phạt tiền về một số hành vi vi phạm trật tự xây dựng được đề xuất tăng so với trước từ 2 - 10 lần.
Cụ thể, hành vi xây dựng không che chắn hoặc để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống khu vực xung quanh, mức phạt là 2 - 4 triệu đồng, tăng gấp 2 lần. Xây dựng gây lún, nứt, hư hỏng công trình lân cận hoặc công trình hạ tầng kỹ thuật, mức phạt 60 - 80 triệu đồng, tăng 8 - 10 lần. Hành vi thi công xây dựng sai phép, mức phạt cũng tăng gấp đôi, trong đó trường hợp cải tạo nhà ở sai phép phạt tiền 12 - 20 triệu đồng, xây dựng mới sai phép phạt từ 40 - 80 triệu đồng.
Đặc biệt, trường hợp xây dựng không phép, mức xử phạt 80 - 120 triệu đồng, cao gấp 4 lần trước đây...