Chủ đầu tư kiêm… nhà thầu?

Theo thông tin từ UBND thành phố Thủ Đức, căn cứ quyết định 4337/QĐ-UBND của UBND TP HCM về việc duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 dự án Vạn Phúc City thì diện tích rạch và hồ điều tiết được xác định là 16,3 ha.

Ngày 12/8/2017, UBND TP.HCM ban hành quyết định số 4353/QĐ-UBND về việc duyệt đồ án quy hoạch công viên chuyên đề và hồ điều tiết trong Khu đô thị Vạn Phúc. Theo QĐ này, đồ án được phê duyệt với tổng diện tích hơn 21,6 ha, trong đó 16,4 ha diện tích đất công viên và hồ điều tiết. (5,2 ha là đất công viên chuyên đề và gần 11,2 ha làm hồ điều tiết).

leftcenterrightdel
 Hàng loạt công trình chưa được cấp phép đã được chủ đầu tư xây dựng trong Khu đô thị Vạn Phúc

Cũng theo UBND Thủ Đức, liên quan đến việc triển khai xây dựng công viên chuyên đề trong khu đô thị Vạn Phúc City. Ngày 23/7/2018 UBND TP HCM ra công văn số 7990/VP-ĐT giao các Sở ngành thành phố và UBND quận Thủ Đức tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án Công viên chuyên đề trong Khu đô thị Vạn Phúc City theo đúng quy định. Và cho đến thời điểm hiện tại, các Sở - ngành thành phố vẫn đang trong quá trình tiến hành triển khai, chưa tổ chức đấu thầu.

Như vậy, mặc dù các Sở - ngành vẫn đang triển khai việc đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án, và việc đấu thầu vẫn chưa diễn ra. Thế nhưng, hàng loạt hạng mục tại công viên chuyên đề trong khu đô thị Vạn Phúc City, hồ điều tiết… vẫn được chủ đầu tư thi công xây dựng hình thành một công viên được quảng cáo tầm cỡ quốc tế trên mặt hồ điều tiết tại dự án này.

Cũng theo thông tin từ Sở Xây dựng, Thanh tra Sở đang theo dõi và kiểm tra công tác thi công xây dựng hàng loạt công trình như: Công trình xây dựng Trường THCS Emasi Vạn Phúc; Công trình Trường mầm non Vạn Phúc; Công trình xây dựng Kè bảo vệ đất dọc bờ sông Sài Gòn dự án Khu dân cư – công viên Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức; Các công trình nhà ở thấp tầng tại dự án thành phần…

Hồ cảnh quan hay hồ điều tiết?

Như đã phản ánh, hiện nay dự án công viên chuyên đề và hồ điều tiết trong khu đô thị Vạn Phúc City đã được thi công xây dựng và đang dần hoàn thiện. Theo phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 của UBND TP.HCM xác định tổng diện tích mặt nước (bao gồm kênh và hồ điều tiết) sau khi cải tạo nắn chỉnh tuyến là 16,3 ha. (5,2 ha là đất công viên chuyên đề và gần 11,2 ha làm hồ điều tiết).

Việc giữ nguyên diện tích mặt nước 16,3 ha, đồng thời bổ sung hạng mục Công viên chuyên đề trên một phần mặt nước nêu trên có liên quan gì đến đến các yếu tố kiến trúc, cảnh quan, môi trường?

Theo các chuyên gia, việc kết hợp hồ điều tiết làm hồ cảnh quan thì chức năng không phải hồ điều tiết. Bởi lẽ, việc điều tiết, chống ngập, lụt của hồ không thể hiện được công năng, không điều tiết và lọc nước kịp thời, không lưu thông dòng chảy, ứ đọng, hôi hám, ô nhiễm. Trái lại, hồ cảnh quan thì nước hồ phải sạch, phải tạo ra được khung cảnh hài hòa nếu không phải nói là đẹp…

leftcenterrightdel
Công viên chuyên đề và hồ điều tiết là 02 công trình lớn chưa được các Sở - ngành đấu giá chọn nhà thầu nhưng đã được chủ đầu tư xây dựng và đang dần hoàn thiện 

Trong khi đó, theo Sở Xây dựng, hồ điều tiết (hồ điều hòa) thuộc hệ thống thoát nước, nhằm mục đích giảm lượng lưu đỉnh, lưu lượng của hệ thống thoát nước, giảm tốc độ tiêu cực do nước mưa gây ra, giữ ổn định nước ngầm và tạo cảnh quan môi trường.

Có hai loại hồ điều tiết, Hồ nằm trước cống, có chức năng ngăn lượng mưa lớn trước khi chảy vào cống. Có thể đặt hồ này ở khắp nơi như các sân đất trống, trũng hay cao, không phân biệt vị trí vỉa hè, đường hẻm... Loại hồ này rất quan trọng và cần thiết, còn được gọi là hồ điều tiết “phòng ngập”.

Một loại hồ điều tiết khác có chức năng trữ khối lượng nước lớn, làm chậm dòng chảy, điều tiết lượng nước ra, vào từ các cống khi triều lên cao hoặc mưa lớn. Loại hồ này nằm ở vị trí thấp, diện tích lớn, thường đặt ở ngoại thành, kết hợp kênh, rạch hoặc chính nó là sông. Hồ này nằm sau cống, nên nước dễ bị hôi, tụ rác, chất thải, bùn, đất tràn vào…

Cũng theo các chuyên gia và cơ quan chức năng, những thiết kế kết hợp giữa hồ điều tiết với hồ cảnh quan khi vận hành thường không thành công và rất tốn kém.

Trong khi đó, các hoạt động kinh doanh tại khu cảnh quan công viên chuyên đề, rác thải, nước thải… trong khu đô thị lớn gần 200 ha như Vạn Phúc City sẽ là một vấn đề lớn. Với việc chủ đầu tư tiến hành xây dựng hàng loạt hạng mục công trình trong Khu đô thị Vạn Phúc mà chưa được cơ quan chức năng thẩm định, lựa chọn và khảo sát như nói trên sẽ tạo ra hậu quả về lâu về dài mà chính cư dân là người sẽ phải gánh chịu.

Hàng loạt lùm xùm kéo dài xung quanh dự án 2 tỉ USD

Khu đô thị Vạn Phúc được khởi nguồn từ quyết định số 256/QĐ – UB của UBND TP HCM giao đất cho Công ty Xây dựng và Phát triển Kinh tế quận 6 để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại Khu đô thị Hiệp Bình Phước. Ngày 15/11/2016, UBND TP HCM đã có văn bản số 5222 về việc điều chỉnh, bổ sung để giao dự án lại cho Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Vạn Phúc (Tập đoàn Đại Phúc) với lý do Công ty Xây dựng và Phát triển Kinh tế quận 6 không có điều kiện để tiếp tục thực hiện dự án.

Từ thời điểm đó đến nay, chủ đầu tư là Tập đoàn Đại Phúc vẫn chưa hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng và vẫn chưa hoàn tất thủ tục pháp lý. Trong khi đó, theo báo chí phản ánh, Tập đoàn này có nhiều dấu hiệu xây kè lấn sông và tiến hành xây dựng hàng loạt công trình khi chưa được cấp phép.

Đào Thiện

Nguồn Taichinhdoanhnghiep
Link bài gốc

https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/chu-dau-tu-van-phuc-city-xay-nhieu-cong-trinh-khong-phep-d19197.html