Đại diện Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise cho rằng, các quyết định yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính của ngành thuế Bà Rịa – Vũng Tàu là hết sức vô lý, không đúng thực tế và trái pháp luật.

Theo bà Liu, Mei – Teh, Tổng giám đốc Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise, việc Chi cục thuế Khu vực Vũng Tàu – Côn Đảo thông báo số tiền sử dụng đất áp dụng cho toàn bộ diện tích 220ha là đất thương mại dịch vụ là không đúng với quy định của pháp luật và tình hình thực tế vì dự án Vũng Tàu Paradise được phê duyệt với mục đích là khu văn hóa, thể thao và du lịch, mật độ xây dựng công trình không quá 5%. Do đó, doanh nghiệp chỉ bị thu tiền sử dụng đất trên diện tích xây dựng công trình dịch vụ, đối với diện tích dùng cho mục đích công trình công cộng, hạ tầng cảnh quan,sân vườn cây xanh, đường nội bộ… thì không thu tiền sử dụng đất.
leftcenterrightdel
 Dự án Vũng Tàu Paradise. Ảnh minh họa

Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise được thành lập bởi bên Việt Nam là Công ty cổ phần dịch vụ du lịch quốc tế Bà Rịa – Vũng Tàu (Intourco) và bên nước ngoài là Công ty Paradise Development and Investment của Đài Loan, bên Việt Nam góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất trong vòng 25 năm, bên nước ngoài góp bằng tiền mặt.

Do việc bàn giao mặt bằng dự án bị chậm 2 năm nên thời hạn sử dụng đất chính thức của dự án phải đến tháng 6/2018, nhưng ngày 30/12/2016, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành Quyết định số 3776/QĐ-UBND thu hồi 220 ha đất dự án. Ngay sau đó, Chi cục thuế Khu vực Vũng Tàu – Côn Đảo cũng ban hành nhiều văn bản liên quan đến tiền thuê đất đối với dự án Vũng Tàu Paradise không đúng thực tế. Tại thời điểm đó, Công ty đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xem xét quyết định thu hồi đất cũng như gửi văn bản đến các bộ, ngành liên quan việc Công ty Intourco chậm trễ trong việc bàn giao đất, văn bản kiến nghị Chi cục thuế Khu vực Vũng Tàu – Côn Đảo dừng việc thu tiền thuê đất trong khi chờ quyết định của UBND tỉnh. Thế nhưng, đáp lại đề nghị của doanh nghiệp, ngày 14/11/2017, Chi cục thuế TP Bà Rịa – Vũng Tàu lại ban hành Quyết định số 10513 cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng việc trích từ tài khoản và phong toả tài khoản của công ty với số tiền hơn 3,2 tỷ đồng. Ngày 26/8/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường ra Thông báo số 103/TB-BTNMT khẳng định thời điểm xác định thời hạn sử dụng đất của dự án Vũng Tàu Paradise là thời điểm bàn giao đất trên thực địa, nên đến ngày 19/3/2019, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mới ban hành Quyết định số 625 để thu hồi, huỷ bỏ Quyết định 3776 được ban hành trái pháp luật trước đó. Chính vì vậy, đến ngày 4/5/2019, Chi cục thuế Khu vực Vũng Tàu – Côn Đảo mới “trả” lại 3,2 tỷ đồng đã “lỡ tay” lấy từ tài khoản phong toả của doanh nghiệp.

Ngày 16/12/2016, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành văn bản số 11219/UBND-VP yêu cầu “Công ty Liên doanh Vũng Tàu Paradise có trách nhiệm giữ nguyên hiện trạng tài sản, thực hiện các hoạt động duy trì tài sản”. Mặt khác, trong quyết định thu hồi đất năm 2016, tỉnh cũng yêu cầu chủ đầu tư giữ nguyên hiện trạng, không cho phép sử dụng hay sửa chữa trái phép trên khu đất. Điều này đồng nghĩa với việc trong suốt thời gian từ 2016 cho đến năm 2019 khi UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Quyết định số 625/QĐ-UBND “sửa sai” thì công ty không thể hoạt động kinh doanh.

Trong khi tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ra quyết định thu hồi đất trái pháp luật và yêu cầu “giữ nguyên hiện trạng” khiến doanh nghiệp “đứng hình” suốt 2 năm liền không thể hoạt động, không phát sinh doanh thu, thì ngược lại, Chi Cục thuế Khu vực Vũng Tàu – Côn Đảo vẫn vô cảm tính tiền thuê đất trong thời gian này là 631 tỷ đồng.

“Nên nhớ, từ Quyết định 3776 thu hồi đất trái pháp luật năm 2016 cho đến khi tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ra Quyết định số 625 vào năm 2019, Công ty chúng tôi phải gánh chịu nhiều tổn thất nặng nề, mọi hoạt động của doanh nghiệp bị tê liệt do việc bị thu hồi đất không đúng và do bị phong toả tài khoản cũng như trích tiền từ tài khoản của Công ty mà Chi cục thuế Khu vực Vũng Tàu – Côn Đảo đã làm”, bà Liu chua xót cho biết.

Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, tất cả các doanh nghiệp đều bị “sập sàn” bởi tác động nặng nề từ dịch Covid-19, hàng ngàn doanh nghiệp phá sản hoặc tạm ngưng hoạt động, buộc phải cắt giảm chi phí , nhân sự, thậm chí cho nhân viên nghỉ việc. Công ty Liên doanh Vũng Tàu Paradise hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực dịch vụ kinh doanh lưu trú, nhà hàng, hoạt động sân golf lại càng bị ảnh hưởng, thiệt hàng càng nghiêm trọng hơn. Từ khi dịch bệnh bùng phát, các hoạt động kinh doanh phải tạm ngừng để thực hiện việc giãn cách xã hội, công ty không có doanh nhưng vẫn phải chi trả các khoản cố định liên quan đến lương nhân viên, bảo hiểm, điện nước… Việc duy trì hoạt động cũng nhằm mục đích duy tu, bảo trì tài sản , đảm bảo cuộc sống cho 600 lao động mà không nhằm mục đích sinh lợi nhuận. Trong khi Chính phủ đồng tâm hỗ trợ, đưa ra nhiều giải pháp để “cứu” doanh nghiệp, thì ngược lại, Chi cục thuế Khu vực Vũng Tàu – Côn Đảo lại ra các quyết định vô cảm, không xem xét quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư và hàng trăm lao động tại địa phương.

Tổng cục Quản lý đất đai chỉ rõ sai phạm

Để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với dự án Vũng Tàu Paradise, trong Văn bản số 95 ngày 14/1/2022 gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) cho biết, theo Giấy phép đầu tư số 183 (năm 1991), Công ty Intourco góp vốn bằng quyền sử dụng 220 ha đất trong vòng 25 năm. Theo Khoản 3 Điều 107 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ thi hành Luật Đất đai quy định: Doanh nghiệp Nhà nước được Nhà nước cho thuê đất trước ngày 1/7/2004 mà được sử dụng giá trị quyền sử dụng đất như ngân sách nhà nước cấp cho doanh nghiệp, không phải ghi nhận nợ và không phải hoàn trả tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai để góp vốn liên doanh với tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài thì doanh nghiệp liên doanh không phải thuê đất và có quyền, nghĩa vụ quy định tại Khoản 2 Điều 110 của Luật Đất đai. Giá trị quyền sử dụng đất là phần vốn Nhà nước đong góp vào doanh nghiệp liên doanh. Do đó, trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai trong thời gian góp vốn thuộc Công ty Intourco; Công ty liên doanh được quyền sử dụng đất trong thời gian nhận góp vốn là 25 năm.

Theo quy định tại Quyết định số 201 ngày 14/7/1989 của Tổng cục Quản lý Ruộng đất thì UBND cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức liên doanh giữa Việt Nam với nước ngoài. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư số 1124 ngày 8/9/1995 Của Tổng cục Địa chính hướng dẫn việc lập hồ sơ của tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê đất tại Việt Nam và cả bên Việt Nam thuê đất để liên doanh với nước ngoài thì đối với trường hợp bên Việt Nam được góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất để liên doanh với bên nước ngoài thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho xí nghiệp liên doanh.

Theo đó, việc UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Intourco khi quyền sử dụng đất này đã được góp vốn vào công ty Liên doanh là không đúng quy định của pháp luật về đất đai.

Khi hết thời hạn hoạt động theo Giấy phép đầu tư đã được cấp trước đây, trường hợp Công ty Liên doanh được tiếp tục cho gia hạn đầu tư thì Công ty Liên doanh được tiếp tục thuê đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

Do đó, theo Tổng cục Quản lý đất đai, Công ty Liên doanh Bà Rịa – Vũng Tàu không phải là đối tượng thực hiện nghĩa vụ tài chính chính theo quy định nên việc thông báo nợ thuế, truy thu thuế, phong toả tài khoản của ngành thuế Bà Rịa – Vũng Tàu với doanh nghiệp là không đún.

Đại diện Công ty Liên doanh Vũng Tàu Paradise cho biết, từ năm 2016, Công ty đã có nhiều văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành và UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xin tiếp tục đầu tư vào dự án. Được biết, các Bộ, ngành như Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Mô trường, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ rất ủng hộ phương án gia hạn thời gian hoạt động của dự án. Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dựa trên cơ sở tham mưu của các bộ, ngành nói trên để lựa chọn phương án cuối cùng cho dự án Vũng Tàu Paradise.

Tuy nhiên, trong khi Thủ tướng Chính phủ cũng như cơ quan quản lý cấp trên rất ủng hộ việc gia hạn thời gian hoạt động của dự án, đang đốc thúc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thì trái lại, Chi Cục thuế Khu vực Vũng Tàu - Côn Đảo lại nhiều lần gây sức ép, gửi thông báo về số tiền thuê đất lên đến hàng ngàn tỷ đồng đối với Dự án Vũng Tàu Paradise. Đặc biệt, ngày 17/12/2021 Chi Cục thuế Khu vực Vũng Tàu – Côn Đảo lại ra đòn “chí mạng” khi liên tiếp ban hành các Quyết định số 9166/QĐ-CCTKV, 9167/QĐ-CCTKV, 9168/QĐ-CCTKV, 9169/QĐ-CCTKV phong tỏa các tài khoản của Công ty Liên doanh Vũng Tàu Paradise. “Trong thời gian các quyết định, chủ trương, cũng như xác định nghĩa vụ tài chính của Dự án Vũng Tàu Paradise chưa thực sự rõ ràng thì việc làm trên của Chi Cục thuế Khu vực Vũng Tàu - Côn Đảo đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho Công ty Liên doanh, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay”, bà Liu cho biết.

Trước mắt, Tổng giám giám đốc Công ty Liên doanh Dự án Vũng Tàu Paradise đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo Chi cục Thuế Vũng Tàu – Côn Đảo thu hồi các quyết định phong tỏa các tài khoản trái pháp luật đối với doanh nghiệp.

Theo bà Liu, Công ty Liên doanh Vũng Tàu Paradise có đầy đủ các cơ sở pháp lý để tiến hành một vụ kiện về việc vi phạm nghĩa vụ góp vốn đối với phía Việt Nam trong liên doanh cũng như các quyết định hành chính trái pháp luật của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và ngành thuế tỉnh này. “Nhưng trên tinh thần hợp tác, chúng tôi đã không làm vậy vì vẫn tin tưởng vào các chính sách của Chính phủ cùng các Bộ ban ngành cũng như UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong việc xử lý các tồn tại của Dự án Vũng Tàu Paradise trong thời gian tới đây”, bà Liu xác nhận.
PV
Nguồn Đời sống & Pháp luật
Link bài gốc

https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chu-dau-tu-keu-cuu-vi-quyet-dinh-la-lung-cua-chi-cuc-thue-khu-vuc-vung-tau-con-dao-a532422.html