Các "ông lớn" lọt danh sách "đen"

UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo "kết quả thực hiện nội dung kết luận, kiến nghị của HĐND TP về tình hình quản lý các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật đất đai trên địa bàn TP".

Kết quả rà soát, kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất của các chủ đầu tư dự án có sử dụng đất trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, có 68 dự án chưa nộp hoặc chậm nộp tiền sử dụng đất.

Cụ thể, tính đến thời điểm 31/1, có 24 dự án còn phải nộp số tiền sử dụng đất là 1.687,4 tỷ đồng, trong đó, 6 dự án có nợ chờ xử lý 705,8 tỷ đồng, 2 dự án thuộc diện nợ khó thu với số tiền 129,1 tỷ đồng và 16 dự án còn lại có khả năng thu với tổng số tiền là 852,7 tỷ đồng.

leftcenterrightdel
Báo cáo của UBND TP Hà Nội. 

Bên cạnh đó, 44 dự án có số tiền chậm nộp còn phải nộp là 2.389,5 tỷ đồng, trong đó tiền chậm nộp thuộc các nhóm như sau: nợ chờ xử lý 690,8 tỷ đồng/11 dự án; nợ khó thu 315,7 tỷ đồng/4 dự án; nợ có khả năng thu 1.308,5 tỷ đồng/29 dự án.

Đáng chú ý, trong danh sách các dự án và các chủ đầu tư nợ tiền sử dụng đất, có nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn trên thị trường như BIC Việt Nam, Bitexco, Lilama...

Trong đó, Công ty Cổ phần BIC Việt Nam nợ 123 tỉ đồng tại dự án Khu nhà ở Gia Quất phường Thượng Thanh, quận Long Biên. Khu nhà ở Gia Quất được giới thiệu trên website bicvietnam.net là dự án Nhà ở xã hội Rice City Thượng Thanh tọa lạc tại lô đất A1-05, phố Gia Quất, phường Thượng Thanh, Quận Long Biên, Hà Nội.

leftcenterrightdel
BIC Việt Nam nợ 123 tỷ đồng tại dự án Khu nhà ở Gia Quất. 

Theo giới thiệu, Nhà ở xã hội Rice City Thượng Thanh có quy mô là tòa nhà cao 22 tầng với 3 tầng hầm. Trong đó từ tầng 1-2 là Shophouse dịch vụ và tiện ích: thể thao, phòng tập GYM... Từ tầng 3 trở lên là tầng căn hộ với 600 căn hộ có diện tích từ 60m2 đến 76m2 phục vụ cho các đối tượng có thu nhập thấp, đối tượng chính sách…

Các thông tin quảng cáo cho biết, Nhà ở xã hội Rice City Thượng Thanh là dự án được BIC Việt Nam triển khai trong năm 2020 và dự kiến nhận hồ sơ mua nhà vào quý I/2021, bàn giao vào quý 4/2022.

leftcenterrightdel
 Phối cảnh Nhà ở xã hội Rice City Thượng Thanh.  

Trong quá khứ, dự án từng vướng "lùm xùm" chậm triển khai khi báo chí nhiều lần đưa tin sau hai năm có Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư vẫn bị bỏ hoang, không tiến hành thi công theo đúng tiến độ, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, làm tổn thất tài sản Nhà nước, dẫn đến tình trạng mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn khu vực…

Về chủ đầu tư dự án, trên thị trường bất động sản BIC Việt Nam được biết đến là chủ đầu tư của nhiều dự án nhà ở xã hội như Rice City Linh Đàm, Rice City Sông Hồng, Rice City Thạch Bàn, Rice City Tố Hữu và một số dự án nhà ở thương mại khác như Hà Nội Phoenix Tower, Rainbow Linh Đàm, Rainbow Văn Quán,...

Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư và kinh doanh những dự án này, doanh nghiệp này từng vướng nhiều "tai tiếng" khiến dư luận phản ứng dữ dội. Điển hình nhất là Dự án nhà ở xã hội Rice City Linh Đàm từng nổi đình nổi đám khi có 3 người nhà và lãnh đạo của chủ đầu tư là Công ty cổ phần BIC Việt Nam nằm trong danh sách các đối tượng đủ tiêu chuẩn được xét duyệt mua nhà ở xã hội đợt 2 tại dự án NOXH Rice City.

Sau khi báo chí phản ánh, cơ quan chức năng Hà Nội đã phải vào cuộc xác minh làm rõ việc bán nhà xã hội sai đối tượng tại dự án này.

leftcenterrightdel
Dự án nhà ở xã hội Rice City Linh Đàm. 

Ngoài ra, dự án này cũng từng ồn ào câu chuyện "mua bán chênh" nhà ở xã hội hàng nửa tỷ đồng. Cụ thể, theo phản ánh, khách hàng chỉ cần bỏ ra khoản tiền chênh gần nửa tỷ đồng mọi thủ tục được chủ đầu tư cam kết hợp thức hóa theo quy định để trở thành chủ mới của một căn hộ nhà ở xã tại dự án Rice City.

Với giá trên hợp đồng là khoảng 14,9 triệu đồng/m2 khi mua căn hộ với giá 22,2 triệu đồng/m2 khách hàng sẽ chịu thêm mức tiền chênh khoảng nửa tỷ đồng.

Ngoài ra, trong danh sách còn có một số doanh nghiệp bất động sản lớn như Tổng công ty Viglacera còn nợ 30 tỷ đồng; Công ty cổ phần Bitexco còn 6,52 tỷ đồng tiền chậm nộp; Công ty Cổ phần Xây dựng sông Hồng nợ hơn 48 tỷ đồng.

Những cái tên bị "nhắc nợ" nhiều lần

Có thể nói, trong danh sách các doanh nghiệp "chây ì" tiền sử dụng đất thì Công ty CP Đầu tư và phát triển Lũng Lô 5 và Công ty Cổ phần Lilama là những cái tên khá quen thuộc.

Trong danh sách công bố lần này, Lũng Lô 5 còn tổng số nợ là 361 tỷ đồng. Trong đó, 245 tỷ đồng là tiền sử dụng đất, và tiền chậm nộp khó thu là 116 tỷ đồng.

Trước đó, trong đợt công khai danh sách các doanh nghiệp nợ thuế phí, tiền thuê đất của Cục thuế Hà Nội năm 2019, Lũng Lô 5 cũng từng bị "bêu tên" nợ tiền sử dụng đất, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất. Cụ thể, tính đến ngày 31/10/2019 doanh nghiệp này nợ hơn 336,6 tỷ đồng.

Năm 2018, Lũng Lô 5 cũng nằm trong danh sách các doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất với số nợ 331 tỷ đồng, là tiền sử dụng đất Dự án khu chức năng đô thị Ao Sào, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Được biết, với số nợ hàng trăm tỷ, kéo dài năm này qua năm khác, Lũng Lô 5 là một trong những đơn vị đã từng bị cơ quan thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế như trích tiền từ tài khoản, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng nhưng đơn vị vẫn chưa nộp đủ số tiền còn nợ vào ngân sách…

leftcenterrightdel
Lũng Lô 5 vẫn nợ hàng trăm tỷ đồng tiền sử dụng đất tại Khu đô thị Ao Sào 

Cùng với Lũng Lô 5, Công ty Cổ phần Lilama cũng là doanh nghiệp thường xuyên bị "nhắc nợ". Trong danh sách đợ này, Lilama có tổng sổ nợ 73,86 tỷ đồng, trong đó nợ khó thu là 45,2 tỷ đồng. Dự án nợ tiền sử dụng đất là Tòa nhà Văn phòng, TTTM và nhà ở số 52 Lĩnh Nam.

Được biết, Lilama Hà Nội triển khai Dự án văn phòng, TTTM và nhà ở tại địa chỉ 52 Lĩnh Nam cách đây hàng chục năm. Đến nay, tổng số 270 căn hộ và 17 căn thấp tầng của dự án đã được bán hết, tiền thu về đến 95%, nhà đã bàn giao cho khách, bất động sản tồn kho bằng không nhưng doanh nghiệp vẫn nợ ngân sách trên 193 tỷ đồng,bao gồm tiền sử dụng đất, thuế, phí và tiền chậm nộp. Dự án có tuổi nợ lên đến 10 năm.

Từ năm 2008 đến nay, doanh nghiệp này chỉ nộp 202 triệu tiền thuế trong khi năm 2017 vẫn đều đặn trả lương cho 111 lao động với tổng thu nhập chịu thuế trả cho cá nhân gần 6 tỷ đồng; năm 2018 tổng thu nhập chịu thuế là hơn 3,5 tỷ đồng. Doanh nghiệp hiện có công nợ phải thu từ khách hàng gần 113 tỷ.

Mặc dù Cơ quan thuế, ban chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng Thành phố đã nhiều lần mời Lilama Hà Nội lên làm việc để đôn đốc, nhưng doanh nghiệp vẫn chây ỳ không nộp.

Chung cư cao cấp cũng nợ tiền sử dụng đất

Dự án Hòa Bình Green City do Công ty TNHH Hòa Bình liên danh với CTCP nông sản Agrexim làm chủ đầu tư cũng là một một cái tên gây nhiều chú ý với số nợ hơn 336 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Trong đó, số tiền còn phải nộp gần 194 tỷ đồng và số tiền chậm nộp hơn 142 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, dự án Hòa Bình Green City là tổ hợp căn hộ chung cư cao cấp kết hợp trung tâm thương mại. Dự án được thiết kế với 2 tòa tháp cao 27 tầng, xây dựng trên diện tích đất 1,7 ha tại số 505 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

leftcenterrightdel
Dự án Hòa Bình Green City do Công ty TNHH Hòa Bình liên danh với CTCP nông sản Agrexim làm chủ đầu tư nợ hơn 336 tỷ đồng tiền sử dụng đất. 

Theo giới thiệu, đây là dự án căn hộ chung cư cao cấp với chất lượng 6 sao, dịch vụ hoàn hảo và có giá ở phân khúc cao, nhiều người dân đã bỏ tiền tỷ ra để được sử hữu căn nhà "trong mơ" tại dự án chung cư Hòa Bình Green City.

Tuy nhiên, những khách hàng mua nhà tại đây liên tiếp gặp phải những rắc rối từ sự "chây ỳ" của chủ đầu tư trong việc làm sổ hồng cho cư dân, "om" quỹ bảo trì không bàn giao cho Ban quản trị… khiến cư dân phản ứng gay gắt, nhiều lần căn băng rôn, biểu ngữ đòi quyền lợi. Vì vậy, đây cũng là một trong những dự án chung cư cao cấp "tai tiếng" nhất tại Hà Nội.

Cũng theo danh sách dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đến hết 31/1 của TP Hà Nội, tiểu khu nhà ở Đồi Dền tại thị xã Sơn Tây do CTCP thương mại và xây dựng Á Châu làm chủ đầu tư là dự án nợ nhiều nhất với hơn 509 tỷ đồng, trong đó tiền sử dụng đất còn phải nộp hơn 231 tỷ đồng và tiền chậm nộp còn phải nộp hơn 278 tỷ đồng.

Dự án xây nhà cán bộ cao cấp Tổng cục An ninh tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm do CTCP đầu tư và xây dựng số 4 - Vạn Xuân làm chủ đầu tư cũng nợ hơn 192 tỷ đồng tiền chậm nộp;

Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng có số nợ khá lớn như Công ty TNHH Hòa Bình còn 335 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Việt nợ 254 tỷ đồng; Tổng công ty phát triển phát thanh truyền hình thông tin còn 228 tỷ đồng; Tổng công ty đường sắt Việt Nam 159 tỷ đồng…

Hải Lan

 

Nguồn SHTT
Link bài gốc

https://sohuutritue.net.vn/cac-ong-lon-bitexco-bic-viet-nam-viglacera-lot-danh-sach-no-tien-su-dung-dat-d92489.html