Hà Nội sắp đấu giá loạt lô đất vùng ven, giá khởi điểm chỉ từ 1 triệu đồng/m2

Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP Hà Nội vừa ra thông báo đấu giá tài sản của Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Mỹ Đức.

Theo đó, tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất ở đối với 8 thửa đất có tổng diện tích 766,8 m2 tại 3 xã Vạn Kim (đội 11 thôn Vạn Phúc), Đại Hưng (đội 6 thôn Trinh Tiết), Lê Thanh (thôn Lê Xá), huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Diện tích các thửa đất từ 80 m2 đến 101,8 m2. 8 thửa đất có mức giá khởi điểm từ 1,04 đến 1,79 triệu đồng/m2.

Thời gian, địa điểm bán và tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá từ ngày 15/9 đến 17h ngày 7/10 tại Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Mỹ Đức.

Cuộc đấu giá được tổ chức ngày 10/10 tại hội trường UBND xã Vạn Kim, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội.

Về hình thức, phương thức đấu giá, đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp một vòng tại cuộc đấu giá theo từng thửa đất và theo phương thức trả giá lên.

Tại huyện Đông Anh, cũng có thông báo đấu giá tài sản là quyền sử dụng 27 thửa đất để xây dựng nhà ở tại thôn Dục Tú 1, xã Dục Tú (đợt 2). Diện tích các thửa đất từ 90m2 đến 164,17m2.

27 thửa đất có mức giá khởi điểm từ 28,8 đến 33,7 triệu đồng/m2. Mỗi bộ hồ sơ đấu giá là 500.000 đồng/hồ sơ/thửa đất.

Về hình thức, phương thức đấu giá, đấu giá từng thửa đất bằng bỏ phiếu trả giá trực tiếp tại cuộc đấu giá theo phương thức trả giá lên.

Thời gian bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá từ 8h ngày 22/9 đến 17h ngày 12/10 trực tiếp tại hội trường Trung tâm Chính trị huyện Đông Anh.

Cuộc đấu giá được tổ chức ngày 15/10 tại hội trường Trung tâm Chính trị huyện Đông Anh, địa chỉ thôn Đản Dị, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh.
leftcenterrightdel
 Hà Nội sắp đấu giá loạt lô đất vùng ven, giá khởi điểm chỉ từ 1 triệu đồng/m2. Ảnh minh họa

Đầu tháng 10 tới đây, huyện Sóc Sơn cũng dự kiến tổ chức đấu giá 12 thửa đất tại 2 thôn Hương Đình Đoài và Hương Đình Đông (xã Mai Đình), nằm gần Sân bay Quốc tế Nội Bài và tiếp giáp với Cụm Công nghiệp CN2 đang trong quá trình triển khai thi công hạ tầng kỹ thuật.

Trong số 12 thửa đất được huyện Sóc Sơn đưa ra đấu giá đợt này, 11 thửa người tham gia đấu giá phải đặt trước 779 triệu đồng, 1 thửa phải đặt trước hơn 1 tỷ đồng. Mật độ xây dựng tối đa của các thửa đất là 80%. Tầng cao tối đa xây dựng đối với 12 thửa đất đấu giá theo quy định là 6 tầng.

Mục đích sử dụng đất là đất ở. Thời hạn sử dụng đất là ổn định, lâu dài. Hình thức sử dụng đất là giao đất có thu tiền sử dụng.

Thời gian qua, nhiều quận, huyện ở Hà Nội tổ chức các cuộc đấu giá đất trở lại, trong đó có mức trúng chênh hàng chục tỷ đồng so với giá khởi điểm. Như tại huyện Mê Linh, các cuộc đấu giá đất đã ghi nhận mặt bằng giá mới được xác lập. Tuy nhiên, trong phiên đấu giá gần đây nhất ở huyện Mê Linh (Hà Nội) đã có dấu hiệu hạ nhiệt.

Mới đây, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh (Hà Nội) tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất đối với các thửa đất tại điểm X2, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm đợt 2. Tổng diện tích 19 thửa đất được đưa ra đấu giá đợt này là 1.877m2, diện tích các thửa từ 75m2 đến 148m2. Giá khởi điểm được đưa ra dao động 27,1-39,2 triệu đồng/m2.

Kết quả, trong tổng số 15 hồ sơ đăng ký, 12 thửa đất được đưa ra đấu giá thành công. Giá trúng cao nhất là 55,1 triệu đồng/m2, thấp nhất 32,3 triệu đồng/m2. Tổng số tiền trúng đấu giá của 12 thửa đạt gần 43,5 tỷ đồng, cao hơn 10,7 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

So với đợt 1 thì giá trúng của đợt 2 thấp hơn. Trước đó, ngày 8/8, 20 thửa đất tại điểm X2, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm đợt 1 với giá khởi điểm 27,1 triệu đồng đến 39,27 triệu đồng/m2 được đưa ra đấu giá thành công, thu tổng số tiền trúng đấu giá là gần 76 tỷ đồng. Mức giá trúng cao nhất là 70,3 triệu đồng/m2.

Trước đó, vào cuối tháng 7, phiên đấu giá đối với 33 lô đất tại điểm X1, Tổ dân phố số 2, thị trấn Chi Đông (Mê Linh) đã thu hút 270 lượt khách tham gia. Kết quả, cả 33 lô đất đã được đấu giá thành công, giúp thu về gần 226 tỷ đồng, chênh gần 100 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Giá trúng cao nhất lên tới gần 100 triệu đồng/m2, xác lập mức kỷ lục giá mới.

TP HCM: Huyện Bình Chánh đề xuất xóa 52 dự án treo

Ngày 21/9, Ban Đô thị, HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát việc thực hiện công tác thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các dự án đã có nghị quyết của HĐND TP tại huyện Bình Chánh.

Một trong những vấn đề nóng tại Bình Chánh hiện nay là các dự án chậm triển khai và quy hoạch treo đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, đã nêu một số dự án cụ thể như dự án khu E tại khu đô thị Nam TP, dự án cây xanh cách ly tại xã Phong Phú và Đa Phước, dự án khu đô thị Sing – Việt, dự án khu đô thị đại học Hưng Long…

Theo ông Tài, đây là những dự án có quy mô diện tích lớn, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân và đã có thời gian triển khai hàng chục năm. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện bồi thường hoặc bồi thường dang dở, có những dự án kéo dài hơn 20 năm đã làm ảnh hưởng rất lớn đến người dân trong khu vực dự án.

Điển hình là dự án khu E trong khu đô thị Nam TP đến nay đã hơn 22 năm nhưng vẫn chưa bồi thường xong. Hơn 700 trăm hộ dân trong dự án này đã sống trong cảnh thiếu thốn hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Nhà cửa không được nâng cấp, sửa chữa, không được sang nhượng, tặng cho vì đã có thông báo thu hồi đất.

Tương tự, 850 hộ dân trong dự án cây xanh cách ly tại hai xã Đa Phước và Phong Phú cũng khó khăn không kém vì nằm trong dự án đã có thông báo thu hồi đất. Dự án này có quy mô gần 270ha, được phê duyệt từ năm 2010 đến nay nhưng cũng chưa thực hiện bồi thường.

Ông Tài cho biết, sau khi có thông báo thu hồi đất thì tối thiểu sau ba tháng đối với đất nông nghiệp và sáu tháng đối với đất ở là phải thu hồi đất để bồi thường. Tuy nhiên, các dự án này đã để quá nhiều năm không thực hiện.

Như Khu E, huyện cũng đã làm tới bước thẩm định giá, có hệ số điều chỉnh giá đất và phương án tái định cư. Người dân cũng đã đồng thuận nhưng đến nay vẫn vướng. Người dân trong khu vực này phải chờ đợi suốt 22 năm nhưng vẫn chưa biết khi nào xong.

“Huyện tha thiết kiến nghị các dự án đã có thông báo thu hồi đất đến từng hộ dân nhưng chưa chi trả bồi thường thì cho người dân được sửa chữa, nâng cấp nhà ở. Đối với các dự án có thông báo thu hồi đất chung thì cho phép người dân được mua bán, tặng cho và để đảm bảo quyền lợi cho họ” - ông Tài nói.

Phó Chủ tịch huyện Bình Chánh cho biết, người dân rất mong mỏi hoặc nhà nước thực hiện dự án theo quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dân; hoặc khôi phục quyền lợi hợp pháp về nhà đất để người dân an tâm sinh sống.

Theo báo cáo của huyện Bình Chánh, có 244 dự án trên địa bàn huyện đã được HĐND TP có nghị quyết thông qua từ 2015 đến nay.

Trong đó, có 75 dự án cần thu hồi đất, 153 dự án thu hồi đất có chuyển mục đích sử dụng đất lúa dưới 10ha, 10 dự án thu hồi đất có chuyển mục đích sử dụng đất lúa trên 10ha, sáu dự án cần thu hồi đất và có chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng dưới 20ha.

Tính đến nay, có 71 dự án hoàn thành (đạt tỉ lệ 29%); 121 dự án đang thực hiện (chiếm gần 50%). Số dự án quá 3 năm chưa thực hiện hiện nay là 52 dự án (chiếm tỉ lệ 21%). Huyện Bình Chánh đề xuất loại khỏi kế hoạch sử dụng đất hàng năm là 52 dự án.
leftcenterrightdel
 Những căn nhà xuống cấp nặng trong dự án treo 22 năm trong khu đô thị Nam TP. Ảnh: Plo.vn

UBND huyện Bình Chánh đánh giá công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án trên địa bàn huyện đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, gần 50% tổng số lượng các dự án đang triển khai từ các nghị quyết năm 2016, 2019 đến nay vẫn chưa hoàn thành, trên 21% số lượng dự án đã loại hoặc không tiếp tục thực hiện do chưa đảm bảo nguồn vốn đầu tư công, chưa đảm bảo pháp lý chủ trương đầu tư.

Nguyên nhân chủ yếu các dự án chậm hoàn thành do công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư gặp nhiều khó khăn, trong đó, đơn giá bồi thường chưa thực sự sát với giao dịch thực tế trên thị trường.

Ngoài ra, một số chủ đầu tư chưa thật sự phối hợp cùng địa phương giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong công tác chi trả tiền bồi thường.

Đồ án quy hoạch Đô thị mới Cam Lâm phải lấy ý kiến cộng đồng

Theo Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc, Bộ Xây dựng Trần Thu Hằng, Bộ đã nhận được Tờ trình số 8565/TTr-UBND ngày 12/9/2022 của UBND tỉnh Khánh Hòa, về việc thẩm định đồ án Quy hoạch chung Đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045 (gọi tắt là Đồ án quy hoạch) kèm theo các tài liệu thuyết minh và các văn bản có liên quan.
leftcenterrightdel
 Đô thị mới Cam Lâm được lập đồ án trên diện tích 54.700 ha. Ảnh: Plo.vn

Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau: Đồ án quy hoạch chưa lấy ý kiến cộng đồng dân cư theo quy định tại Khoản 3 Điều 20 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009. Các ý kiến góp ý của các sở, cơ quan liên quan tại địa phương (23 văn bản gửi kèm) và cộng đồng dân cư cho Đồ án quy hoạch, cần được tổng hợp đầy đủ, giải trình, tiếp thu theo quy định tại Khoản 4 Điều 20 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa rà soát hồ sơ trình thẩm định đồ án, đảm bảo bám sát các quy định tại Khoản 2 Điều 33 Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị.

"Đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa nghiên cứu, chỉ đạo thực hiện đầy đủ về thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật để Bộ Xây dựng có đủ căn cứ tổ chức thẩm định...", văn bản nêu rõ.

Trước đó, Báo Người Lao Động đã thông tin, chỉ 5 ngày sau khi Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có tờ trình về đồ án quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm.

Cụ thể, tổng diện tích quy hoạch theo đồ án này lên trên 54.719 ha, thuộc 14 đơn vị hành chính của huyện với 7 phân khu chức năng.

Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Wonder City Vân Phong Bay tại Khánh Hòa


Dự án Wonder City Vân Phong Bay có vị trí tọa lạc tại thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Dự án nằm tại Bãi Cát Thấm, sở hữu đường bờ biển dài 5 km với chiều rộng khoảng 500 m.

Wonder City Vân Phong Bay có tổng diện tích 455,44 ha với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 10.000 tỷ đồng. Dự án được sở hữu đất liền và biển, trong đó: diện tích đất liền chiếm 295,22 ha và diện tích mặt biển chiếm 160,22 ha.

Khu du lịch nghỉ dưỡng biển Wonder City Vân Phong Bay được quy hoạch thành 5 phân khu theo 5 bản sắc vùng miền của Việt Nam và thế giới gồm:

Phân khu Tropical Monaco,

Phân khu Asia Barbados.

Ba phân khu trung tâm: Little Hanoi, Little Hue và Little Saigon.

Dự án được thiết kế xây dựng với các loại hình: khu vui chơi trên biển, khu resort, khu khách sạn nghỉ dưỡng với khả năng đón khách lên tới 40.000 người/ngày.
leftcenterrightdel
 Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Wonder City Vân Phong Bay tại Khánh Hòa.

Chủ đầu tư dự án Wonder City Vân Phong Bay Khánh Hòa là Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch T&M Vân Phong. Đơn vị phát triển dự án Eurowindow Holding, tư vấn giám sát: Công ty Cổ phần CONINCO 3C.

Theo tìm hiểu, dự án Wonder City Vân Phong Bay có tên pháp lý là Khu du lịch sinh thái biển và giải trí cao cấp Hòn Ngang - Bãi Cát Thấm. Được UBND tỉnh Khánh Hòa, Ban quản ký KKT Vân Phong trao giấy phép đầu tư cho Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch T&M Vân Phong.

Theo báo cáo đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2000 Khu du lịch sinh thái biển và giải trí cao cấp Hòn Ngang - Bãi Cát Thấm. Dự án được chia làm 3 khu chức năng chính:

Khu A: trung tâm dịch vụ du lịch Hòn Ngang tổng diện tích 132 ha bao gồm khu dịch vụ thương mại bờ biển và bãi tắm, khu vui chơi biển, 2 khu resort cao cấp...

Khu B: hu du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng cao cấp Bãi Cát Thấm có tổng diện tích 103 ha, bao gồm 4 khu resort cao cấp 4 - 5 sao, 4 khu khách sạnh nghỉ dưỡng cao cấp 3 - 4 sao...

Khu C: Khu du lịch dã ngoại Núi Cá Ông có diện tích 60 ha là khu vực đồi, được bố trí các tuyến giao thông, các trạm nghỉ, trung tâm thể thao...

Ngày 03/11/2018, lễ ký kết hợp tác Dự án Khu sinh thái biển Hòn Ngang – Bãi Cát Thấm giữa chủ đầu tư T&M Vân Phong và Tập đoàn Mövenpick Hotels & Resorts.
Ngọc An
Nguồn Sở hữu trí tuệ
Link bài gốc

https://sohuutritue.net.vn/ban-tin-bat-dong-san-22-9-tp-hcm-huy-bo-52-du-an-treo-d149495.html