Để có thể phát triển hàng chục dự án lớn nhỏ tại nhiều tỉnh thành, thâu tóm các khu “đất vàng” tại Hà Nội, Alphanam phải tìm đủ cách giành được sự ưu ái của UBND các tỉnh.
Màn hồi phục sau lỗ
Alphanam (mã cổ phiếu ALP) lên sàn giao dịch từ năm 2007. Từ năm 2010, ALP mở rộng hoạt động đa ngành, với ba hướng chính: Sản xuất công nghiệp, bất động sản và kinh doanh nông lâm sản. Trong giai đoạn này, Alphanam đầu tư mạnh sang bất động sản với chiến lược mua lại các doanh nghiệp nhà nước có quỹ đất lớn.
|
|
Tập đoàn Alphanam cho ra mắt 2 thương hiệu khách sạn tiêu chuẩn quốc tế tại Đà Nẵng, đó là Four Points by Sheraton và Altara Suites. |
Tuy nhiên, việc đầu tư vào bất động sản đã khiến Alphanam thua lỗ kéo dài trong suốt 5 năm (2012 - 2016). Cuối năm 2014, Alphanam đã phải hủy niêm yết cổ phiếu. Đến thời điểm này, công ty đã lỗ lũy kế hơn 500 tỷ đồng, lên đến 657 tỷ đồng vào cuối năm 2016.
Sang năm 2017, Alphanam bắt đầu có lãi trở lại và 2018, công ty đã lãi xấp xỉ số lỗ lũy kế trước đó. Sang năm 2019 và năm 2020, báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy Alphanam đang đầu tư vào các dự án bất động sản, các công ty con và công ty liên doanh hàng nghìn tỷ đồng.
Trong đó, có nhiều công ty liên quan đến lĩnh vực bất động sản như Công ty CP địa ốc Foodinco; Công ty địa ốc Foodinco Quy Nhơn; Công ty CP Đầu tư công viên văn hóa, thể thao, du lịch và đô thị hồ Thác Bà; Công ty Đầu tư Công viên văn hóa Mường Hoa; Công ty CP dịch vụ và thương mại Đông Á…
Những năm gần đây, Alphanam cũng đầu tư nhiều dự án bất động sản ở nhiều tỉnh thành từ Bắc tới Nam như Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Đà Nẵng, Bình Định, An Giang... Hiện doanh nghiệp này đang có hơn 20 dự án với tổng diện tích phát triển hàng nghìn ha, vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, tập trung ở Đà Nẵng, Hà Nội, TPHCM…
Alphanam đang sở hữu một số dự án đáng chú ý như Luxury Apartment, Diamond Tower, Golden Square tại Đà Nẵng. Ở Hà Nội, tập đoàn này có dự án Alphanam Red Star Apartment, Xuân Phương - Alphanam Village, Alphanam New Park City Trung Hưng - Sơn Tây, Bình Minh - Cao Viên Alphanam Newlife City hay Khu đô thị Hanel - Alphanam...
Đi vòng về tỉnh?
Khi làn sóng đầu tư bất động sản địa phương nở rộ, trong tình trạng thua lỗ kéo dài, Alphanam đã trở thành chủ đầu tư không ít dự án khủng tại các tỉnh.
Cuối năm 2016, Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Đông Á (doanh nghiệp đầu tư gián tiếp của Alphanam) ra mắt Dự án Khu đô thị Golden City An Giang tại TP Long Xuyên. Đây là dự án có quy mô diện tích 48,92ha, nằm ở trung tâm, cạnh Khu liên hiệp văn hóa thể thao, hội chợ triển lãm, Khu hành chính của thành phố Long Xuyên và tỉnh An Giang.
Đầu năm 2018, Alphanam liên tiếp ra mắt 2 thương hiệu khách sạn tại Đà Nẵng, đó là Four Points by Sheraton và Altara Suites, đánh dấu bước ngoặt của tập đoàn khi đầu tư vào ngành du lịch, khách sạn.
Đầu năm 2019, dự án khu công viên văn hóa, thể thao, du lịch và phụ trợ hồ Thác Bà do Công ty CP Đầu tư công viên văn hóa, thể thao, du lịch và đô thị hồ Thác Bà - thành viên của Tập đoàn Alphanam - đã được tỉnh Yên Bái ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư 4.980 tỷ đồng, quy mô hơn 2.594ha.
Đây là một trong những dự án có vốn đầu tư đăng ký lớn nhất nhì tỉnh Yên Bái. Đến mức chỉ thiếu 20 tỷ đồng trong tổng đầu tư thì dự thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ?
|
|
Dự án Khu đô thị Mường Hoa, Sa Pa có tổng mức đầu tư hơn 610 tỷ đồng, được triển khai trên diện tích 99.300m2 đất. |
Tháng 4/2019, Alphanam có buổi làm việc với tỉnh Lai Châu, ông Nguyễn Tuấn Hải - Chủ tịch Tập đoàn - đã xin ý kiến tỉnh này để được khảo sát, đầu tư khách sạn 4 sao mang thương hiệu quốc tế từ 150 - 180 phòng nghỉ dưỡng tại Nhà khách Hương Phong và cũng nhận được cam kết từ tỉnh.
Giữa năm 2019, dự án Altara Residences Quy Nhơn do Công ty CP Foodinco Quy Nhơn - một thành viên của Tập đoàn Alphanam - làm chủ đầu tư cũng chính thức chào sàn.
Ấn tượng hơn cả là dự án Khu đô thị sinh thái Mường Hoa, Sa Pa mà UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt năm 2019. Theo đó, liên danh Công ty CP đầu tư Công viên văn hóa Mường Hoa và Công ty CP dịch vụ và thương mại Đông Á được chỉ định làm nhà đầu tư dự án. Dự án có tổng chi phí thực hiện gần 625,6 tỷ đồng, phần nộp ngân sách nhà nước là 500 triệu đồng.
Theo ghi nhận, cả hai doanh nghiệp liên doanh nêu trên đều thuộc “hệ sinh thái” Tập đoàn Alphanam. Cụ thể: Công ty CP đầu tư Công viên văn hóa Mường Hoa được thành lập ngày 16/3/2017 với vốn điều lệ là 790 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông lớn nhất là Công ty CP đầu tư Alphanam đăng ký góp 553 tỷ đồng (70% vốn điều lệ); các cá nhân: Đỗ Thị Minh Anh, Nguyễn Minh Nhật và Nguyễn Ngọc Mỹ đều đăng ký góp 79 tỷ đồng (10% vốn điều lệ).
Còn Công ty CP dịch vụ và thương mại Đông Á được thành lập ngày 6/5/2005, vốn điều lệ hiện là 180 tỷ đồng, có địa chỉ tại Khu công nghiệp Phố Nối A, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Đây cũng là địa chỉ của Công ty Alphanam. Theo đăng ký, Công ty Đông Á do ông Bùi Đình Quý là Tổng Giám đốc. Ông Quý cũng là thành viên Ban Kiểm soát của Công ty Alphanam.
Nhấn mạnh là trước năm 2017, theo báo cáo tài chính Alphanam thua lỗ triền miên. Do vậy, tập đoàn khó trực tiếp đứng tên tham gia vào một dự án bởi các quy định về thẩm định năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư.
Tất nhiên, một tập đoàn không nhất thiết phải trực tiếp đứng ra thực hiện mọi dự án. Mô hình phổ biến là các tập đoàn thành lập doanh nghiệp để triển khai dự án được nhận. Tuy nhiên mô hình này cũng là một cách để các tập đoàn thua lỗ "đi đường vòng" để đạt mục tiêu thâu tóm dự án.
Từ góc nhìn này, việc đưa liên danh Công ty CP đầu tư Công viên văn hóa Mường Hoa và Công ty CP dịch vụ và thương mại Đông Á dự thầu để trở thành nhà đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái Mường Hoa, Sa Pa có thể là "đường vòng" mà Alphanam đã chọn, khi thời gian thua lỗ trước đó của tập đoàn vẫn chưa lùi xa.