Khu đô thị Tiến Xuân Sudico rộng hơn 1.200 ha – nằm trên địa bàn các xã Đông Xuân, Tiến Xuân, huyện Thạch Thất (vốn thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình trước khi các xã này sáp nhập về Hà Nội tháng 8/2008) – vẫn là một trong những dự án khu đô thị rộng nhất miền Bắc tính đến thời điểm hiện tại.
Dự án do Công ty cổ phần đầu tư phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư, khởi công ngày 1/1/2007. Tuy nhiên, phải đến ngày 29/2/2008 (trước khi các xã Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung sáp nhập vào huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội 6 tháng) UBND tỉnh Hoà Bình mới có Quyết định số 415/QĐ – UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) Khu đô thị Tiến Xuân.
|
|
Khu đô thị Sudico – Tiến Xuân đã từng được chủ đầu tư “chăng đèn kết hoa” như thế này. |
Đến ngày 30/7/2008, UBND huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình có Quyết định số 1363/QĐ – UBND thu hồi đất đợt I với diện tích hơn 400 ha đất các loại của 968 hộ gia đình, cá nhân thuộc 7 xóm là: Đồng Chằm, Đồng Rằng, Lập Thành, Đá Thâm, Đồng Bèn, Đồng Bồ và Đồng Âm cho xã Đông Xuân quản lý để giao đất cho Công ty Sudico xây dựng Khu đô thị Tiến Xuân.
Ngay sau khi phần đất dự án các xã Đông Xuân, Tiến Xuân thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình được sáp nhập về Hà Nội (ngày 1/8/2008), ngày 30/10/2008, Bộ Xây dựng cũng có công văn số 2186/BXD – KHTC gửi UBND Thành phố Hà Nội đề nghị xem xét, chỉ đạo chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tiếp tục triển khai dự án này.
Đến đầu tháng 3/2012, UBND tỉnh Hoà Bình tiếp tục ban hành Quyết định số 420/QĐ – UBND thu hồi và giao 1.210 ha đất các loại của xã Đông Xuân và Tiến Xuân cho Công ty Sudico xây dựng dự án. Trong đó, diện tích đất dự án trên xã Đông Xuân là 910 ha, chiếm gần 2/3 diện tích đất tự nhiên của xã này (tổng cộng 1.700 ha).
|
|
Dự án triển khai ở vùng đất có cảnh sắc đẹp đẽ, “bờ xôi ruộng mật”. |
Theo quy hoạch, dự án bao gồm các hạng mục: biệt thự, nhà vườn, chung cư, khu vui chơi, giải trí, thể thao và trung tâm mua sắm. Thời điểm Sudico khởi công xây dựng Khu đô thị Tiến Xuân năm 2007 cũng đúng vào giai đoạn thị trường bất động sản Hà Nội và vùng phụ cận phát triển với tốc độ “chóng mặt”, đất thổ cư khu vực Thạch Thất – Quốc Oai (tỉnh Hà Tây), huyện Lương Sơn (tỉnh Hoà Bình) khi đó cũng trở nên có giá hơn bao giờ hết.
Khu vực thực hiện dự án Khu đô thị Tiến Xuân nằm trong quy hoạch tổng thể chuỗi đô thị Xuân Mai – Miếu Môn – Hoà Lạc, có lợi thế cảnh quan khá đẹp với hệ thống đồi gò và hồ nước tự nhiên khá hữu tình.
Dự án này cũng hết sức may mắn khi dự án được lập trên đất huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình nhưng sau khi phê duyệt lại trở thành đất huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội. Dự án lại không nằm trong “Vành đai Xanh” – bị thay đổi thiết kế và cũng không thuộc số các dự án phải tạm dừng để thực hiện rà soát quy hoạch theo Chỉ thị số 260/CT – TTg ngày 4/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Ở thời điểm đó, có thể nói, dự án Khu đô thị Tiến Xuân là một dự án hội tụ đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”.
Theo kế hoạch xây dựng dự án do Sudico công bố vào năm 2008, dự án Khu đô thị Tiến Xuân được thiết kế với nhiều ý tưởng độc đáo, tập hợp nhiều khu nhà ở, dịch vụ vui chơi giải trí khác nhau. Trong đó, mục tiêu trọng tâm là phát triển các dịch vụ tiện ích, dịch vụ thể thao, giải trí, thư giãn… tận dụng tối đa cảnh quan thiên nhiên, quỹ đất lớn, ưu tiên phát triển các khu nhà ở cao cấp, thân thiện với môi trường.
Trong đó khu giải trí X Game, được đặt tại phía Bắc khu đô thị du lịch và sinh thái, được thiết kế như 1 trung tâm thương mại lớn là khu vực trung tâm của dự án. Tại đây, du khách có thể có nhiều trò chơi, giải trí mới nhất trên thế giới như lướt sóng, đua xe trong nhà, nhảy dù. Ngoài ra, khu đô thị còn có khu nhà hàng, ẩm thực, rạp chiếu phim 3D…
Khu nhà ở, biệt thự sinh thái có diện tích “khủng” từ 1.800 – 3.800m2/căn; khu biệt thự “siêu cao cấp” với diện tích mỗi lô từ 6.500 m2 đến – 1 ha. Dự án còn có thêm khu biệt thự sườn đồi, khu đô thị hỗn hợp, chúng cư cao cấp, khu tái định cư cho dân quanh vùng, khu chữa bệnh cao cấp… Dự án được dự kiến xây dựng trong vòng 10 năm, từ 2007 đến 2016…
|
|
Tuy nhiên, sau gần 15 năm bất động, người dân khu vực không được hưởng lợi gì từ dự án, Sudico Tiến Xuân chính thức bị đề nghị thu hồi. |
Tuy nhiên, đến ngày 17/3/2021 vừa qua, UBND TP. Hà Nội có Báo cáo số 75 – BC/UBND gửi Hội đồng Nhân dân Thành phố danh sách gần 30 dư án có dấu hiệu vi phạm, đề nghị bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt dự án đầu tư. Trong đó, dự án có quy mô diện tích lớn nhất là Khu đô thị Tiến Xuân Sudico rộng hơn 1.200 ha.
Câu hỏi đặt ra với giới đầu tư thời điểm này là nếu đề nghị của UBND TP. Hà Nội tại Báo cáo số 75 – BC/UBND được lãnh đạo thành phố thông qua, doanh nghiệp nào có đủ khả năng “tái tục” dự án đầu tư này trong tương lai?
Nhìn lại lịch sử của “Sudico” tại một dự án bất động sản quy mô lớn khác là Khu đô thị Nam An Khánh, ta có thể nhìn thấy sự hiện diện của một loạt các nhà đầu tư đã mua lại 1 phần đất dự án để triển khai đầu tư như: Công ty cổ phần Sông Đà – Việt Đức, Công ty cổ phần Sông Đà 6, Geleximco, Mekong Land, Công ty cổ phần Vinaconex PVC, Công ty đầu tư phát triển hạ tầng KCN Phúc Hà…
Trong đó, thương vụ đặc biệt lớn là thương vụ chuyển nhượng 24,2 cho Công ty Cổ Phần Phát Triển Dự Án Techcomdeveloper (Chi nhánh của Tập đoàn Vingroup) năm 2016 để đơn vị này đầu tư phát triển thành dự án Khu đô thị Vinhomes Thăng Long hiện nay.
Thực tế các dự án khác của Sudico như: Khu nhà ở Văn La – Văn Khê (12 ha); Dư án Khách sạn Sông Đà – Hạ Long; Dự án Khu dân cư Long Tân – Nhơn Trạch – Đồng Nai (65 ha)… sau khi dự án được phê duyệt, cấp đất, nhà đầu tư bán lại 1 phần diện tích cho nhà đầu tư thứ cấp triển khai không phải là chuyện hiếm.
Tuy nhiên, với 1 dự án “khủng” như Sudico Tiến Xuân, doanh nghiệp nào có đủ tiềm lực “tái tục” dự án ở thời điểm này là câu chuyện đặc biệt thu hút sự quan tâm của giới đầu tư vào thời điểm này.
Hà Quang