Tại tọa đàm "Tỉnh táo trong cơn sốt đất" do báo Người lao động tổ chức mới đây, các chuyên gia trong ngành đã đề xuất những biện pháp mạnh tay, được coi là liều thuốc đặc trị cơn sốt đất.
Đánh thuế cao
“Nhà đầu tư có hoạt động mua đi - bán lại sẽ bị đánh thuế cao trong 2-3 năm đầu khi chuyển nhượng. Ngoài ra, Nhà nước cần đánh thuế những người có nhiều bất động sản và đánh thuế ở mức cao nếu không đưa đất vào sử dụng”. Đây là quan điểm được ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) đưa ra.
Theo vị chuyên gia này, việc quyết định mức thuế suất có thể giao cho Chính phủ quyết định nhằm đảm bảo sự phù hợp với diễn biến thị trường. Hiện thuế suất thuộc Luật thuế phải được Quốc hội thông qua nên chưa bảo đảm tính kịp thời.
Đây cũng là kế sách từng được GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất. Theo ông, cần cấm hoặc đánh thuế cao vào những người mua đất nền mà không xây nhà, bởi đất nền là “nhân vật chính” đang được giới đầu tư săn lùng trong cơn sốt đất.
GS Đặng Hùng Võ giải thích: “Ví dụ, mua đất nền mà chưa có nhà thì phải đánh thuế cao, hay tham gia mua đất nền, chưa có nhà rồi đem bán thì không được chuyển nhượng. Chúng ta có nhiều công cụ thì phải quản lý, xử lý”.
Hình sự hóa hành vi “thổi giá”
Luật sư Trần Minh Cường, Đoàn Luật sư TP. HCM cho rằng cần phải hình sự hóa hành vi tạo sốt đất của các nhóm đối tượng gây rối vì đây là hành vi thu lợi hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng và gây mất trật tự an sinh xã hội, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế.
Hiện đã có quy định về tội Đầu cơ tại Điều 196 Bộ luật hình sự 2015 nhưng ông Cường cho rằng nên nghiên cứu xây dựng tội danh mới trong Bộ Luật Hình sự liên quan đến hành vi này.
Sốt ở đâu "đóng băng" giao dịch ở đó
Tổng giám đốc LDG Group - Nguyễn Minh Khang nhận định, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đủ khả năng chặn cơn sốt đất vì họ có lợi thế giám sát tốt địa bàn.
Do đó, chính phủ có thể trao quyền và trách nhiệm cho chính quyền địa phương giám sát sốt đất hoặc kiểm soát bằng cách ngăn chặn giao dịch bất thường tại các phòng công chứng hoặc dừng các giao dịch khi diễn ra sốt đất. Lý do bởi sốt đất do một số nhóm đối tượng tạo ra, việc ngăn chặn này sẽ tác động ngay lập tức đến việc làm suy yếu, sụt giảm thậm chí chặn đứng các hành vi tạo sóng, cò mồi.
Biện pháp này từng được Quảng Ninh áp dụng quyết liệt khi địa phương này ghi nhận tình trạng sốt đất kéo dài ở Tp. Hạ Long, Hoành Bồ, Quảng Yên. Vào tháng 7/2019, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quyết định ngừng đấu giá đất nền trên địa bàn thị xã Quảng Yên. Các văn phòng môi giới nhà đất không đủ điều kiện cấp phép hoạt động sẽ bị xử phạt theo đúng quy định.
Đến tháng 10/2020, biện pháp này tiếp tục được vận dụng khi sóng sốt đất "quét" đến Hoành Bồ. Khi ấy, UBND TP. Hạ Long yêu cầu tạm dừng giải quyết hồ sơ liên quan đến tách thửa đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đối với các loại đất (trừ đất ở) tại khắp 11 xã, phường.
Đồng thời, các mảnh đất nằm trong phạm vi 50m tính từ mỗi bên mép đường trở vào, đều không được phép giao dịch, mua bán. Việc này đã khiến giới cò mồi mất đi "sân chơi", không thể ăn theo các dự án hạ tầng mà đẩy giá lên cao.
Kiểm soát tín dụng
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng chính sách tín dụng cần thay đổi ở những giai đoạn sốt giá nhà đất thay vì giữ mức cho vay 70% tính trên giá trị tài sản bảo đảm, do điều này có thể tạo cơ hội để nhà đầu tư vay tiền và mua lướt sóng nhiều hơn.
“Giảm hạn mức cho vay xuống từ 70% xuống 30-50% tùy giai đoạn để kiểm soát việc đầu tư lướt sóng qua dòng tín dụng đổ vào thị trường bất động sản”, vị chuyên gia hiến kế.
Đồng tình với quan điểm này, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. HCM, chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến tình trạng sốt đất cục bộ là do các ngân hàng gia tăng số dư nợ tín dụng.
Trong quý đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng 2,13% nhưng tín dụng bất động sản lại tăng nhanh hơn mặt bằng chung. Nhiều ngân hàng thương mại đang chạy đua cho vay tiêu dùng, trong đó các gói cho vay bất động sản với lãi suất chỉ từ 4,99-10% một năm, vô hình chung đã thúc đẩy người dân vay để đầu tư vào bất động sản.
Ông Hậu kiến nghị các ngân hàng dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước phải có cơ chế và chính sách chặt chẽ để lường trước được những rủi ro trong việc cho vay bất động sản trong bối cảnh sốt đất.
Minh bạch thông tin
Các chuyên gia đều đồng tình rằng các tỉnh cần quy hoạch, có kế hoạch sử dụng đất hằng năm, ví dụ định hướng phát triển TP. HCM về hướng nào, mỗi năm sẽ được hoạch định. Điều này vừa giúp tăng nguồn cung cho thị trường nhà đất, vừa kiểm soát được thị trường bất động sản.
Theo ông Dư Huy Quang, Trưởng phòng quản lý đất Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM, trong các quy định pháp luật về đất đai đều nêu rõ trách nhiệm cơ quan nào phải thực hiện việc công bố thông tin quy hoạch, vào thời điểm nào để người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư nắm bắt. Riêng tại TP. HCM, ngoài thông tin trên các trang web, các sở ban ngành chuyên trách còn thông tin trực tiếp tại trụ sở khi người dân đến hỏi.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị người dân nên tỉnh táo trong các cơn sốt đất, cần tiếp cận thông tin đầy đủ, rõ ràng để xem xét, đánh giá rồi hãy ra quyết định đầu tư.
Hoàng Thùy