Dừng dự án BT Quốc lộ 6 đoạn Ba La – Xuân Mai
UBND Hà Nội vừa ban hành văn bản số 1966/KH&ĐT-ĐTCT về việc dừng triển khai thực hiện 82 dự án theo hình thức đối tác công tư PPP, loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) trên địa bàn.
Cụ thể, theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức PPP (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021), dự án áp dụng loại hợp đồng BT sẽ dừng triển khai các dự án mới, dừng thực hiện dự án chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
Đáng chú ý, trong danh sách các dự án dừng triển khai, dừng thực hiện có hai dự án đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, chưa ký hợp đồng, một trong 2 dự án này là Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai với quy mô 23,1 km do liên danh CTCP Sông Đà - Tổng Công ty Phát triển Hạ tầng Đô thị (UDIC) - CTCP Thương mại Ngôi Nhà Mới - CTCP Đại An thực hiện.
Liên quan đến dự án này, ngày 24/6/2017, UBND TP Hà Nội đã có báo cáo số 177/BC-UBND kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai theo hình thức BT (dự án BT Ba La - Xuân Mai).
Nhà đầu tư được lựa chọn là CTCP Đầu tư Louis Group. Louis Group do ông Lê Văn Vọng là người đại diện pháp luật. Là công ty do liên danh Công ty CP Sông Đà – TCT phát triển hạ tầng đô thị - Công ty CPTM Ngôi Nhà Mới – Công ty CP Đại An thành lập vào tháng 3/2017 để đầu tư dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 6 Ba La – Xuân Mai.
Theo báo cáo kết quả thẩm định của Sở Kế hoạch – Đầu tư vào tháng 6/2017, dự án BT Ba La - Xuân Mai có tổng mức đầu tư 8.800,082 tỷ đồng, nhằm đầu tư cải tạo, nâng cấp 20,9 km Quốc lộ 6 từ Ba La - Xuân Mai (từ 4 -6 làn xe). Tính ra, số tiền bỏ ra để cải tạo, nâng cấp cho mỗi km đường lên tới 421 tỷ đồng.
Đổi lại, nhà đầu tư Louis Group dự kiến sẽ được thanh toán 43 ô đất có tổng diện tích 454,67 ha. Sở Kế hoạch – Đầu tư cũng đề xuất áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư để đàm phán trực tiếp hợp đồng BT.
Đến tháng 6/2018, tại Quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt quy mô đầu tư dự án được giảm xuống chỉ còn 8.713,194 tỷ đồng.
Theo đó, nhà đầu tư sẽ được tạo điều kiện khai thác 39 ô đất với tổng diện tích khoảng 343,54 ha tại các quận Hà Đông, Cầu Giấy, Tây Hồ, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, và các huyện Chương Mỹ, Ba Vì, Đông Anh, Mê Linh. Còn việc lựa chọn nhà đầu tư cho dự án BT Ba La - Xuân Mai bất ngờ được đổi sang hình thức đấu thầu.
Tuy nhiên, trong kết luận thanh tra liên quan đến một số dự án của Tập đoàn Lã Vọng được Thanh tra Chính phủ công bố vào năm 2019, danh sách 39 ô đất được đối ứng cho dự án BT này phần lớn lại trùng khớp với đề xuất của Louis Group.
Vì vậy, TTCP kiến nghị rà soát lại toàn bộ quỹ đất được đề xuất dùng làm quỹ đất đối ứng dự án BT để đưa vào đấu giá quyền sử dụng đất tạo vốn để thực hiện dự án đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách.
Ngoài dự án nêu trên, Ngôi Nhà Mới còn có tên trong liên doanh đầu tư dự án đường vành đai 2,5 đoạn từ Trung Kính đến cuối đường Trần Duy Hưng. Liên doanh đầu tư gồm: Công ty CPTM Ngôi Nhà Mới – Công ty CP đầu tư xây dựng Mekong E&C, Công ty CP đầu tư phát triển đô thị Đại Việt.
Dự àn này cũng nằm trong danh sách 82 dự án BT dừng triển khai do UBND TP Hà Nội vừa công bố.
Công ty Ngôi Nhà Mới “khủng” cỡ nào?
Công ty CP Thương mại Ngôi Nhà Mới là công ty chuyên về đầu tư thuộc Tập đoàn Lã Vọng. Ông Lê Văn Vọng cũng là người đại diện pháp luật của Ngôi nhà mới, đồng thời là một trong ba cổ đông sáng lập với 97,97% cổ phần. Hai cổ đông sáng lập còn lại là ông Lê Văn Vân và bà Ngô Thị Toàn. Ông Lê Văn Vọng và ông Lê Văn Vân có cùng địa chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú tại Hà Nội.
Trong “hệ sinh thái” của Tập đoàn Lã Vọng, Ngôi Nhà Mới có quy mô vượt trội hơn hẳn so với nhiều thành viên khác. Đơn vị này được biết đến là chủ đầu tư dự dự án Khu nhà ở cao cấp Ngôi Nhà Mới tại huyện Quốc Oai, Hà Nội. Dự án được khởi công từ năm 2009, có quy mô 27,5 ha, tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng.
Cũng tại Hà Nội, Ngôi Nhà Mới còn là chủ đầu tư của nhiều dự án đình đám khác, gồm các dự án BT và dự án nhà ở, khu đô thị, khu dân cư.
Đáng chú ý, dự án Khu đô thị Louis City Đại Mỗ có diện tích lên tới 30,5 ha, nằm ở vị trí được xem là “đất vàng” của quận Nam Từ Liêm với quy mô gần 600 căn nhà liền kề, 28 căn biệt thự, 2.000 căn chung cư cao cấp được quảng cáo “mang phong cách Paris”. Theo quy hoạch tỷ lệ 1/500, dự án có khoảng 2,3ha diện tích là nhà ở xã hội, nay là nhà tái định cư.
Đây là dự án doanh nghiệp được sở hữu thông qua việc thực hiện hợp đồng dự án BT dưới dạng chỉ định thầu bằng việc cải tạo và xây dựng hệ thống cống nối hồ Vục – hồ Đầu Băng – hồ Tư Đình ở quận Long Biên. Nhà thầu thi công dự án là Công ty cổ phần xây dựng số 1.
Như đã đề cập, Ngôi Nhà Mới cùng với 3 doanh nghiệp khác đã thành lập Louis Group, trong đó Ngôi Nhà Mới và 1 đơn vị cũng liên quan đến Tập đoàn Lã Vọng nắm quyền chi phối với tổng tỷ lệ sở hữu lên tới 75% vốn điều lệ.
Vào năm 2016, Ngôi Nhà Mới cùng CTCP Đầu tư và Thương mại Louis và UDIC đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ tại quận Hoàng Mai, Hà Nội (22,56 ha). Sau đó, liên doanh này đã thành lập Công ty CP đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai để tiếp tục đầu tư dự án.
Sau nhiều năm bị bỏ hoang, đầu năm 2020, dự án Khu đô thị Hoàng Văn Thụ bất ngờ triển khai và rao bán rầm rộ với tên thương mại Louis City Hoàng Mai. Cuối năm 2020 đến đầu năm 2020, Cenland bất ngờ rót hàng nghìn tỷ đồng vào dự án này với dự định sẽ “hồi sinh” dự án.
Về quy mô tài sản, tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Ngôi Nhà Mới đạt 5.229 tỉ đồng, cùng với đó, quy mô vốn chủ sở hữu của Ngôi Nhà Mới cũng gia tăng nhanh chóng, đạt mức 1.675,3 tỉ đồng.
Dấu ấn đại gia Lê Văn Vọng
Tập đoàn Lã Vọng khởi sự từ lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống và bắt đầu lấn sân sang thị trường bất động sản từ năm 2008. Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của doanh nghiệp này là Ông Lê Văn Vọng, đồng thời là một trong ba cổ đông sáng lập với 97,97% cổ phần.
Sau nhiều năm phát triển, “hệ sinh thái” của Tập đoàn Lã Vọng bao gồm nhiều công ty thành viên, Ngôi Nhà Mới và CTCP Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng là 2 đơn vị hoạt động tích cực trong lĩnh vực bất động sản.
Đầu năm 2018, nhiều đơn vị báo chí phản ánh tình trạng Tập đoàn Lã Vọng và các đơn vị thành viên được ưu ái giao nhiều khu "đất vàng" tại Hà Nội để thực hiện dự án bất động sản, sản xuất kinh doanh, giao thông theo hình thức hợp đồng BT, trong đó có một số dự án không qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Đầu tháng 6/2918, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo Thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh tra hàng loạt dự án tại các khu "đất vàng" của tập đoàn Lã Vọng có dấu hiệu thiếu minh bạch.
Cùng thời điểm này, ông Lê Văn Vọng cùng các cổ đông sáng lập ra Tập đoàn Lã Vọng cũng như Công ty Ngôi nhà mới đã thoái toàn bộ vốn tại các đơn vị này.
Sau đó, ông Lê Văn Vọng sáng lập ra Công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư tài chính Việt Nam (V.F.I Group) với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó ông lê Văn Vọng góp 199,98 tỷ chiếm 99,996% cổ phần.
Mặc dù ông Vọng đã thoái vốn tại Công ty Ngôi nhà mới nhưng doanh nghiệp này vẫn song hành thực hiện nhiều dự án với VFI Group.
Tháng 1/2020, Thanh tra Chính Phủ đã ban hành thông báo Kết luận thanh tra toàn diện các dự án của Lã Vọng và các đơn vị thành viên trên địa bàn Hà Nội, trong đó chỉ ra nhiều sai phạm đối với 9 dự án trên địa bàn Hà Nội của Lã Vọng và các đơn vị thành viên.
Trong số 9 dự án của Tập đoàn Lã Vọng thuộc diện thanh tra, có 5 dự án do CTCP Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng và các đơn vị thành viên làm chủ đầu tư, 3 dự án tập đoàn cùng đơn vị thành viên tham gia hợp tác đầu tư và 1 dự án thuê mặt bằng kinh doanh. Đa số các dự án được thực hiện theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT), không qua đấu giá…
Sau nhiều “sóng gió” các doanh nghiệp có liên quan đến đại gia Lê Văn Vọng và Tập đoàn Lã Vọng vẫn đang đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, mở rộng quỹ đất khắp nơi.
Mới đây, vào tháng 6/2020 Ngôi nhà mới và VFI Group cùng một công ty khác đã đề xuất làm quần thể vui chơi giải trí và biệt thự sinh thái Santa Barbara Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hải Lan( T/H)