Vàng thế giới đang trải qua một giai đoạn đầy thách thức nhưng cũng chứa đựng cơ hội cho những nhà đầu tư đủ bản lĩnh và dám chấp nhận rủi ro. Tuy nhiên, việc giá vàng trong nước vẫn 'đủng đỉnh' treo ở mức cao, khiến chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước ngày càng doãng rộng, lại khiến việc đầu tư vàng trong nước rủi ro lớn.

Theo đó, giá vàng thế giới đầu tuần phục hồi nhanh trở lại sau khi giảm khoảng 2% trong tuần trước. Ngày 8/3, giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế đứng ở mức 1.708 USD/ounce, tăng 8 USD/ounce so với phiên trước. Quy đổi theo tỷ giá VND/USD tại ngân hàng Vietcombank cộng một số loại thuế phí cơ bản, giá vàng thế giới hiện tương đương 48,1 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng trong nước mở phiên 8/3 được niêm yết quanh mức 55,05 - 55,6 triệu đồng/lượng (mua - bán). Như vậy, giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đang cách nhau khoảng 7,5 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch này đã giảm khoảng 1 triệu đồng/lượng so với giá vàng cuối tuần trước khi giá vàng thế giới hồi phục mạnh trong phiên đầu tuần.

Giá vàng thế giới đã giảm gần 200 USD/ounce tương đương kể từ đầu năm 2021 đến nay. Mức giảm mạnh khiến giá vàng luôn tục rớt mốc thấp nhất trong vòng 1 năm. Trái với sự đột biến của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước lại khá 'đủng đỉnh' treo ở mốc cao. Dù đã giảm gần 1 triệu so với mốc giá vào ngày Vía Thần tài (21/2) thì giá vàng trong nước và thế giới vẫn chênh nhau từ 7-9 triệu đồng/lượng. Điều này mang lại lo ngại về rủi ro khi đầu tư vào vàng.

Trả lời câu hỏi của Nhadautu.vn về chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng ngân hàng BIDV cho rằng, Việt Nam không thể mãi một mình một chợ, chênh lệch giá vàng quá lớn ắt có rủi ro cho nhà đầu tư.

leftcenterrightdel
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). 

TS. Cấn Văn Lực giải thích, hiện nay không thể coi vàng là kênh đầu cơ, lướt sóng, vì Chính phủ đã sớm đưa loại tài sản này vào quản lý chặt chẽ và ổn định giá từ năm 2014 đến nay. Hoạt động xuất nhập khẩu vàng cũng được cơ quan quản lý đưa về 1 mối là Ngân hàng Nhà nước (NHNN). 'Vì thế, nhu cầu về đầu cơ vàng của Việt Nam là tương đối thấp so với giai đoạn trước'.

Về chênh lệch giá vàng, ông Lực cho rằng đây cũng là một điểm đáng lưu ý. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới chủ yếu vì chi phí vàng ở trong nước tương đối cao, từ công chế tác, tới thuế nhập khẩu và các loại phí giao dịch khác. Cùng với đó là yếu tố thời vụ, trong giai đoạn trước và sau ngày Vía Thần tài giá vàng vẫn sẽ cao hơn thời điểm bình thường.

Tuy nhiên, dù thế nào, theo TS. Cấn Văn Lực, về lâu về dài cơ quan quản lý cũng sẽ lưu ý để làm sao giá vàng trong nước và giá vàng thế giới có sự cân bằng, có tính 'lưu thông' với nhau. Vì hiện tượng giá vàng chênh lệnh quá lớn như hiện nay dẫn tới nguy cơ đầu cơ và nhập lậu vàng vào trong nước.

Ông Lực khẳng định, việc đầu cơ vàng trong nước hiện nay là có rủi ro lớn nếu nhà nước can thiệp tốt và mạnh vào giá vàng khiến chênh lệch giá vàng thu hẹp. 'Việc đầu cơ, găm giữ vàng có thể dẫn tới thua lỗ', ông Lực nói.

Trong dự báo giá vàng thời gian tới, các chuyên gia phân tích trên thế giới vẫn có sự đồng thuận khá cao rằng, giá vàng có thể rớt mạnh xuống còn mốc 1.600 USD/ounce. Giá vàng rớt thảm gây khó khăn cho nhà đầu cơ nhưng cũng là cơ hội cho những nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội khi còn trần trừ chưa biết đầu tư vào đâu.

Nhận định cơ hội đầu tư vào vàng năm 2021, nhiều chuyên gia cho rằng sẽ khó có cơ hội bứt phá như trong năm 2020 nhưng đây vẫn được coi là hầm trú ẩn an toàn và kênh đầu tư có hiệu quả với mức sinh lời từ 15-20% cho cả năm 2021.

 

N. Thoan

 

Nguồn Nhadautu
Link bài gốc

https://nhadautu.vn/gia-vang-trong-nuoc-khong-the-mai-mot-minh-mot-cho-d49322.html